Có người hỏi tôi, tới tuổi về hưu mà còn được hãng xưởng nhận
vào làm việc? Mình chỉ biết trả lời, nếu giầy dép có số thì con
người cũng có số vậy. Nghĩ lại cái số của tôi cũng được gọi là
“tiền hung hậu kiết!”
Chân
Dung Phạm Văn Bản, 21 tuổi Sĩ Quan Khóa 4/70
Hình
này trích từ đặc san Kỷ Yếu của Trường Bộ Binh Thủ Đức
Sinh Viên Sĩ Quan Pham Văn Bản
Phạm Văn Bản lãnh bằng Công Dân Danh Dự và Quốc Kỳ
do Tỉnh Trưởng Everett, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân
và Hội Đồng Quận Hạt Snohomish trao tặng
Nghĩa là vào số tuổi 22, sau khi mãn khóa huấn luyện sĩ quan
4/70 thuộc Trường Bộ Binh Thủ Đức với cấp bậc Chuẩn Úy, và thi
đậu bài khảo sát Anh Ngữ của Trường Sinh Ngữ Quân Đội và chương
trình du học ngành phi hành ở Hoa Kỳ, thì tôi được hưởng cơ
duyên là "vác ba-lô đi gõ cửa Trời" và bước tới Trung
Tâm Huấn Luyện Không Quân Hoa Kỳ ở Lackland AFB, San Antonio,
Tiểu Bang Texas để giúp tôi làm quen với chương trình huấn luyện
phi hành và học thêm Anh Ngữ bổ túc, trước khi chuyển tôi qua
Trường Bay Randoph AFB, Texas để học loại phi cơ huấn luyện đầu
tiên T-41 với thày dạy bay Coopwood và thày đã giữ gìn 2 tấm ảnh
này qua mấy chục năm nay, và thày chuyển lại cho tôi trước khi
ngài từ trần.
Thày dạy bay T-41 Coopwood và Phạm Văn Bản trong bữa điểm
tâm
Phòng ngủ S-107 của Phạm Văn Bản ở Randolph AFB, Texas năm 1971
Tôi thi đậu phi cơ cánh quạt T-41 đầu tiên với số điểm cao ngoại
hạng, nên được Bộ Tư Lệnh Huấn Luyện Hoa Kỳ tuyển chọn và cho
vào học ngành phi hành phản lực cơ T-37 tại Trung Tâm Huấn Luyện
Sheppard Air Force Base, Wichita Falls, Tiểu Bang Texas, với
thời gian khoảng một năm.
Lt Pham Van Ban at
the Sheppard AFB, Texas
Ngày 14 tháng 12 năm 1972, tôi được tốt nghiệp và mãn khóa ở
Sheppard với văn bằng Phi Công Phản Lực (Jet Pilot) cùng đạt
được điểm cao, và tôi được tiếp tục nhập vào học ngành Phi Công
Phản Lực Chiến Đấu (Fighter Pilot) A-37B ở Trung Tâm Tác Chiến
England AFB, Alexandria, Tiểu Bang Louisiana, bao gồm huấn luyện
về các loại vũ khí bom đạn, chiến thuật không kích (air to
ground), không chiến (air to air)... Sau sáu tháng thụ huấn về
Chiến Thuật Chiến Lược Không Quân, tôi được mãn khóa và hồi
hương về phục vụ trong Phi Đoàn Thần Báo 520, Không Đoàn 74
Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân, tôi bay phi cơ phản lực A-37B
với nhiệm vụ đánh giặc giữ nước, bảo vệ đồng bào và quê hương
Việt Nam tự do cho tới ngày mất nước với khoảng một nghìn giờ
bay.
Hình chụp tại Thảo
Cầm Viên Sài Gòn sau ngày về Việt Nam năm 1973
Trung Úy Phạm Văn
Bản bị bắn gãy cánh phản lực cơ A-37B
hình chụp tại Phi
Đạo Bình Thủy do Phòng Điện Ảnh SĐ 4 KQ
Khì phe độc tài thế kỷ thắng trận và xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa
vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì ngay sau đó tôi bị nhà cầm
quyền bắt giam, kết án là “giặc lái” và tôi bị tra tấn, khảo tra
hồ sơ cá nhân, bị hành hạ và tù đày trong suốt bảy năm trường
khổ nhục, cho tới ngày tôi được ra trại vào dịp
Tết, ngày 21 tháng 1 năm 1982. Vì gia đình tôi sinh sống
trong miền sông nước Cái Sắn, cho nên sau ba tháng chuẩn bị vượt
biên, thì tôi dẫn đưa vợ con xuống thuyền vào một đêm, rồi chúng
tôi từ biệt cha mẹ, các em, các cháu và những người thân để
chúng tôi ra đi ngay trong lúc đối phương còn đang say xưa tiệc
mừng "Đại Thắng Mùa Xuân Ngày 30 Tháng 4 Đen."
Chúng tôi từ giã nơi "chôn nhau cắt rốn" Việt Nam và thoát cảnh
ngục tù từ Kiên Giang, Việt Nam sau một thời gian ngắn là 3 ngày
4 đêm. Đồng thời nhờ Ơn Lành mà chúng tôi cũng băng qua những
cơn mưa gió bão táp trên Biển Đông kinh hoàng mà tới được bến bờ
tự do ở Klong Yai của Vương Quốc Thái Lan.
Sau khi
vào bờ tôi may mắn tiếp xúc với ông đại tá chỉ huy trưởng sư
đoàn Mãnh Hổ đang hành quân ở Klong Yai, khi toán lính của ông
bắt tôi khi thuyền vừa tắp vào bờ, họ lục soát giấy tờ rồi tịch
thu thẻ căn cước quân nhân của tôi: (Air Force) AF 0,041,081 do
Lackland AFB, Texas (DIEL) cấp phát. Đại tá Thái Lan này chăm
chú nhìn tấm thẻ căn cước Không Quân Hoa Kỳ của tôi và hỏi tôi
đã sinh hoạt ở khu nhà nào trong trường Sinh Ngữ Quân Đội ở căn
cứ Lackland?
Và tôi cũng
được ông cho biết rằng ông cũng cùng học Anh Văn với tôi tại
Lackland vào năm 1971. Bởi thế tôi cũng đươc dịp nói sơ lược cho
ông nghe về cảnh tù đày cải tạo của mình, là người sĩ quan phi
công Việt Nam Cộng Hòa trong 7 năm tù cải tạo.
Ông đã giúp chúng tôi liên lạc để tiếp xúc với phái đoàn Cao Ủy
Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc ở Klong Yai, và họ đã đến thiết lập hồ
sơ để giúp cho chúng tôi được hưởng tiêu chuẩn tỵ nạn và sinh
hoạt cuộc sống tự do, dân chủ và nhân quyền. Và cũng từ giờ phút
này, tôi không còn còn giật mình lo sợ khi đang ngủ say mà phải
nghe tiếng chó sủa cạnh nhà vào lúc canh khuya hoang vắng, mỗi
khi bộ đội ập tới nhà mình lục soát và kiểm tra nhân khẩu, xin
hỏi đó không phải là tiền hung hậu kiết sao?
Tiếp đến, sau tổng cộng hai năm ở các trại tỵ nạn Sikew và
Phanat Nikhom, Thái Lan... và gia đình tôi tới đảo Galand Site
II, Indonesia để học chương trình Đời Sống Hoa Kỳ, rồi 6 tháng
sau thì lên phi cơ từ Singapor qua Hồng Kong và vào định cư ở
Tỉnh Everett, Tiểu Bang Washington vào ngày 10 tháng 8 năm 1984.
Tại đây tôi có cơ duyên gặp gỡ và tiếp xúc với Thày dạy bay
Coopwood và những chỉ huy trưởng trong các đơn vị của tôi ngày
xưa, và phần đông khuyên tôi cố gắng trở lại học đường để tu
luyện lại khả năng thiên phú ban cho tôi.
Tôi nhớ lại rằng trước khi bỏ nước ra đi vượt biên, thì cha tôi
đã nhắn nhủ rằng: "Con ra hải ngoại cũng nên nhớ, con cần có bổn
phận và trách nhiệm giải cứu cha mẹ, các em, các cháu và những
người thân ở quê nhà, nhìn chung gia đình ta/ dân tộc ta đang
chịu sống cảnh thống khổ tù đày, vì quê hương ta chưa thực sự có
tự do, dân chủ, nhân quyền." Nhớ lời dạy của cha nên tôi phải
chuyên tâm nghiên cứu học tập về lãnh vực "Tổ Chức & Lãnh Đạo"
để kiện toàn một cấu trúc với "Chính Thuyết Tiên Rồng - Cán Bộ -
Tổ Chức - Thời Sách."
Thời gian đầu khi tới
Everett tôi đã liên lạc với anh em trong tổ chức của tôi từ
trong những nhà tù ở Việt Nam và các trại tỵ nan Thái Lan và Nam
Dương, rồi tôi đi qua Úc Đại Lợi thăm gặp và mời ông ngoại
trưởng kiêm chủ tịch lưỡng viện quốc hội Trần Văn Lắm ở Thủ Đô
Canberra đảm nhận vai trò Chủ Tịch Liên Minh Toàn Dân Việt Nam
Quốc Gia theo như chương trình tổ chức Diên Hồng 2 như trong
lịch sử của Việt Nam thời Đức Trần Hưng Đạo mà tôi được dịp học
hỏi về tổ chức và lãnh đạo.
Sau 5 năm hoạt động toàn thời ở Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc và
Việt Nam, tôi cố gắng chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình
là Ủy Viên Liên Lạc & Tổ Chức, thì tới ngày 30 tháng 5 năm 1989
Liên Minh Toàn Dân Việt Nam Quốc Gia đã làm lễ chính thức ra mắt
tại khu Rayban trong tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ.
Nhưng cho tới khi hệ thống Cộng Sản thế giới xụp đổ vào cuối năm
1989, thì hoạt động tổ chức Liên Minh của chúng tôi lại không
thành công... Bởi thế cho tới ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương
được chúng tôi tổ chức tại Seattle, Tiểu Bang Washington vào
ngày 10 tháng 3 Việt Lịch vào năm 1993, thì tôi chính thức xin
phép anh em Liên Minh cho tôi được trở lại học đường mà nghiên
cứu về lãnh vực đặc chuyên Tổ Chức & Lãnh Đạo của mình mong ước.
Và bởi thế
mà tôi có cơ duyên đi học các trường Everett Community Colledge,
Western Washington University và University Of Phoenix trong
suốt 10 năm trường để nghiên cứu về ngành Không Gian trong bậc
đại học và cao học Hoa Kỳ. Cho tới tuổi 62, sau khi ra trường,
tôi lại gặp may mắn và thuận lợi khi tôi được tuyển chọn vào làm
chuyên viên phát triển (Developer Specialist) cho hãng sản xuất
phi cơ phản lực thương mại Boeing, chớ tôi chẳng còn lái máy bay
như khi xưa nữa.
Một hôm, ông Tổng Giám Đốc Ray Cornner của hãng Boeing Everett,
tới Deparment of Emergent Operation để thanh tra đơn vị, ông đến
gặp tôi và nói rằng, “Ngày trước người ta làm máy bay cho anh
lái, thì hôm nay anh lại làm máy bay cho người ta lái.”
Ông chăm chú nhìn sản phẩm của tôi đang làm, rồi ông giới thiệu
với bà Cecelia Goodnow, Phó Tổng Giám Đốc của ông trong Cơ Quan
Truyền Thông Boeing hãy phỏng vấn tôi, và đưa tôi vào đề mục
“Why We’re Here” của Nguyệt San Boeing Frontier Magazine – là tờ
báo thông tin toàn cầu với ấn bản 310,000 số đặc chuyên về phi
cơ tác chiến không người lái Eagle Eye X-51A Waverider mà Việt
Nam đã mua 12 cái để canh giữ Biển Đông, Nguyệt San Frontier
phát hành ở Chicago vào tháng 6 năm 2013 – như hình ảnh tờ báo
sau đây:
Tình thực mà nói, Khởi đầu sự nghiệp tôi cũng gặp nhiều khó khăn,
vì sau khi học xong không tìm ra việc thích hợp và phải trả học
phí hàng tháng với khoản tiền nợ là 76.000 Mỹ Kim. Trước khi vào
Boeing, thi tôi phải làm phụ kiện cho phi cơ thương mại Boeing
787 hãng CD Zodiac Arerospace, Northwest Composites để có thể
trả nợ học phí. Nhưng vào năm 2008, loại máy bay này gặp tai nạn
trong lần bay thử trên vùng trời Arizona, cộng thêm nhân viên
trong Boeing biểu tình, cho nên hãng sản xuất phụ kiện Boeing là
Zodiac đã phải ngưng chế tạo và hãng cạn việc.
Tôi bị thất nghiệp và đến văn phòng an sinh địa phương điền đơn
xin hưởng trợ cấp hưu dưỡng sau 40 tín chỉ lao động. Nhân viên
phụ trách yêu cầu tôi ký tên để đầu tháng tới lãnh tiền.
Nhưng ngặt nỗi mình còn nợ tiền học, và nếu hưởng lương hưu thì
chỉ còn cách khai phá sản nhằm vỡ nợ. Đang lúc băn khoăn suy
tính thì tôi gặp được ông chủ tịch hội cựu chiến binh James
Lapsley của quận hạt Snohomish – ông là bạn chiến đấu cùng đơn
vị với tôi năm xưa ở Long Bình Post – ông đề nghị tôi nộp đơn
vào Boeing, và hãng đã nhận lời.
Với kinh nghiệm phi công, với những bằng cấp đại học và cao học
Hoa Kỳ, riêng bằng Cử Nhân BA có số điểm đậu GPA: 4.0 của
Western Washington University và University Of Pheonix, lại thêm
kinh nghiệm xử dụng vật liệu chế tạo phi cơ đời mới Composites
của cơ quan hàng không CD Zodiac ở Maryvill, thì Boeing Everett
đã đồng ý nhận tôi vào làm chuyên viên phát triển (Developer
Specialist) thuộc Blankets Shop, để làm vách ngăn chống nhiệt độ
nóng lạnh, chống âm thanh ồn ào, chống hơi nước đóng băng nhằm
bảo quản phi cơ an toàn trên lộ trình.
Sau khóa huấn luyện căn bản 2 tuần lễ, tôi được hãng cho phét
tiếp tục vừa học vừa làm. Sau ba năm tôi đã lấy được vài trăm
chứng chỉ chế tạo phi cơ thương mại (Green Lights) với những
loại máy bay Boeing 737, 747, 757, 767, 777 và 787.
Vào đầu năm 2019, tôi nhận thư thông báo của hãng, theo thông lệ
thì tuổi 65 sẽ về hưu vào đầu tháng Tư, nhưng hãng quyết định
lưu giữ tôi làm việc tới tuổi 70 ½ và tôi được hưởng thêm tiền
hưu bổng xã hội. Và giờ đây tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức Lễ
Mừng Kim Khánh, ngày trọng đại và kỷ niệm 50 năm hôn nhân vào
ngày 7 tháng 4 của gia đình chúng tôi.
Phạm Văn Bản là
chuyên viên phát triển (Developer Specialist)
Ngày trước, sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào Tết Mậu
Thân, thì lệnh động viên của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban ra,
đã khiến cho tôi không còn lý do miễn dịch để học hành mà phải
nhập ngũ. Tuyết, bạn học cùng trường Luật Khoa rủ tôi đi ghi
danh vào ngành hạ sĩ quan thông dịch vien – còn gọi là hạ sĩ
quan đồng hóa mà văn phòng tuyển mộ của lục quân Hoa Kỳ trên
đường Trần Hưng Đạo.
Chúng tôi được hướng dẫn vào phòng khảo sát Anh ngữ, bao gồm đàm
thoại và trắc nghiệm. Với số điểm từ 70 tới 79 thì khóa sinh
được mang cấp bậc Hạ Sĩ Nhất, và 80 trở lên là Trung Sĩ Thông
Dịch Viên (Staff Sergeant Interpreter).
Sau giờ khảo thí Tuyết và tôi lãnh cặp cánh gà Trung Sĩ rồi được
đưa về Quân Vụ Thị Trấn lập hồ sơ nhập ngũ. Ngày ấy chúng tôi
phải chuẩn bị thời gian cho ba tuần huấn luyện quân sự Quang
Trung và một năm học Anh ngữ ở trường sinh ngữ quân đội.
Trung Sĩ Phạm Văn Bản phục vụ Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ
ở Long Bình Post từ năm 1969 - 1970 với nhiệm vụ Thông Dịch Viên
Tới đầu tháng Tư năm 1969, sau năm học và vượt qua các kỳ thi,
rồi mãn khóa và chuẩn bị ra đơn vị, thì tôi lại nhận được điện
tín của cha tôi nhắn tin, “Về gấp, mẹ đau nặng.” Cầm tờ giấy
đánh đi từ nhà bưu thép Kiên Giang, tôi lật đật chạy lên trình
diện Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trường Sinh Ngữ Quân Đội Hùynh Vĩnh
Lại và được cấp cho hai tuần phép.
Đồng thời ông cũng cho tôi chọn đơn vị trước khi đi nghỉ phép vì
có lệnh thuyên chuyển đã cận ngày. Tôi chọn về phục vụ cho Bộ Tư
Lệnh Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (US 18th Military Police
Brigade) ở căn cứ Long Bình, Biên Hòa. Với sự vụ lệnh thuyên
chuyển và trình diện đơn vị vào ngày đầu tháng 5, như thế tôi có
tổng cộng một tháng phép về quê thăm mẹ và cưới vợ.
Đáp xe đò Thuận Thành trên quốc lộ Sài Gòn – Rạch Giá, tôi bàng
hoàng nhìn những vọng gác của người lính Địa Phương Quân và
Nghĩa Quân dọc theo bên đường, cái thì bị bắn tróc mái, cái thì
loang lổ với vết đạn, và nhiều quãng đường trải nhựa đẹp đẽ tươm
tất, nhiều cầu cống xây dựng rộng rãi khang trang nhưng lại bị
Việt Cộng đắp mô gài mìn phá hoại.
Khi xe băng qua thì hành khách phải xuống xe lội bộ, cho nên di
chuyển chậm chạp và nguy hiểm vì dễ bị mìn bẫy nổ tung. Nhìn vào
thực tại tôi bắt đầu biết cảm phục và thương mến những người
lính Việt Nam Cộng Hòa đang ngày đêm miệt mài canh giữ từng tấc
đất, tuyến đường giúp cho người dân có được giao thông tiện lợi.
Sau chục giờ hành trình vất vả, tôi đã băng ngang hai khu trường
học của mình ở bậc trung học, Sao Mai kinh D và Bác Ái kinh B.
Ngắm lại hàng bông điệp đang khoe sắc thắm xung quanh sân trường,
tôi chợt nhớ, ngày nào cũng trên sân kia mình thủ vai Vua Herode
oai phong lẫm liệt trình diễn trong vở kịch nhân dịp Lễ Giáng
Sinh của lớp Đệ Tứ A chúng tôi đảm trách.
Màn kịch được bạn học và thầy cô khen ngợi cổ vũ, cũng thời gian
ấy trong số khán giả ái mộ tôi đã tìm ra được người hợp ý hôn
nhân. Chúng tôi hẹn nhau qua thư từ và chờ đợi khi có dịp đi
phép về giáo xứ Bình Châu kinh 8, thì làm đám cưới nhà binh!
Hôm ấy khi hai mẹ con gặp nhau trong bệnh viện Cái Sắn, kinh B,
bỗng dưng mẹ tôi cảm thấy khỏe mạnh, bước ra khỏi giường bịnh và
trìu mến ôm tôi. Mẹ chăm chú ngắm nhìn tôi trong bộ quân phục đi
phép và ngài tỏ ý mãn nguyện, rồi không nói về bệnh tình mà lại
bàn sang chuyện lễ cưới hỏi của chúng tôi.
Bởi tôi là trưởng nam trong gia đình và cũng đính hôn, cho nên
nhân dịp phép này tôi đồng ý để chuẩn bị cho ngày lễ thành hôn,
và cũng để giúp mẹ vui. Sau khi được bác sĩ cho mẹ tôi xuất viện,
thì tôi dìu dắt mẹ tôi về nhà ở xứ Ninh Cù kinh Rivera và xum
hợp gia đình – nơi ghi dấu từ thuở ấu thơ tới khi trưởng thành
bên giòng Ba Vàm, qua những tác phẩm “Rừng Mắm,” “Hoa Tím Bằng
Lăng,” “Bên Giòng Sông Trẹm,”... của Bình Nguyên Lộc và Nguyên
Hà... mà tôi từng đọc.
Sáng hôm sau, tôi dùng tác ráng chạy dọc giòng Sáng, nối từ kinh
Rivera qua miền sông nước tới kinh 8, gặp người yêu sắp cưới.
Chiếc đò gắn máy đuôi tôm BS-9 chẻ sóng và dọt như tên bay,
nhưng mình vẫn thấy chậm chạp vì mong sớm tới nhà. Sau hơn một
giờ chạy đò, tôi bắt đầu nhả tay ga và lách qua rặng bằng lăng
đang mùa trổ hoa phủ kín hai bên bờ kinh rồi cho xuồng chạy
thẳng vào mương ao sau nhà.
Hôn thê của tôi đang đứng chờ sẵn, rồi với tay cầm lấy giây cột
thuyền nàng buộc níu vào chiếc cầu ao và vui cười nhìn tôi tắt
máy. Ngó ra cánh đồng đã gặt xong, tôi được nàng cho biết ruộng
của nhà năm nay trúng mùa, và cũng vừa tát đìa bắt được nhiều cá.
Tôi âu yếm trả lời, cá lóc nướng trui chấm mắm me, em làm, thì
cha và anh nhậu say túy lúy.
Nàng cười thỏ thẻ, “dạ vâng,” và chúng tôi vào nhà chào cha mẹ.
Để chuẩn bị hôn lễ của chúng tôi, nhằm ngày 7 tháng 4 năm 1969
tại giáo xứ Bình Châu, chúng tôi ra tỉnh Kiên Giang tới chợ sắm
sính lễ, nhang đèn, hoa huệ, hoa hồng, hoa lay ơn… để làm đám
cưới nhà binh… vì ít ra tôi cũng đã có cặp cánh gà gắn trên bộ
quân phục.
Tiện đường chúng tôi ghé vào khu trường Nguyễn Trung Trực, nơi
tôi thi tiểu học chục năm về trước với điểm đậu bình, cho nên
tôi đã được cơ quan viện trợ giáo dục Hoa Kỳ cấp học bổng hằng
năm. Bởi thế tôi có cơ hội vào học Anh văn ở hội Việt Mỹ Center
Training Institute khi tôi lớn khôn, trước khi tôi nhập ngũ với
ngành thông dịch.
Trên ghế đá công viên trước sân trường nhìn ra biển xanh bao la,
tôi hẹn với nàng rằng sau khi trình diện bộ tư lệnh lữ đoàn 18
quân cảnh Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, rồi tôi tìm nơi trú ẩn để
đón nàng chung sống.
Sống ở đồng quê, mặc dù trong thời chiến tranh khói lửa, nhưng
đám cưới của chúng tôi vẫn được tổ chức linh đình với cả ngàn
thực khách, trong suốt ba ngày tại họ nhà gái cũng như nhà trai.
Sáng hôm ấy lễ rước dâu với đoàn tác ráng chở thân bằng quyến
thuộc, chạy theo sau chiếc thuyền hoa của cô dâu chú rể lướt
sóng bên những bè lục bình trải thảm hoa màu tím.
Hai bên bờ sông, hàng muống rồng cũng đang kết thành hoa đăng
ngày cưới để khoe sắc với màu tím bằng lăng phủ rợp trời hoa.
Sau ngày cưới, chúng tôi trở về kinh 8 tết lại mặt cha mẹ. Gia
đình vui mừng vì đám cưới của chúng tôi đã hoàn tất, vì sau lễ
rước dâu về xứ Ninh Cù, thì Việt Cộng tấn công vào xứ Bình Châu
trong đêm hôm ấy. Lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã
phối hợp với đồn pháo binh kinh 8 anh dũng chiến đấu và bảo vệ
xóm làng.
Cha mẹ tôi kể rằng, đạn bắn như mưa nhắm vào nhà để lại trên
tường với nhiều vết loang lổ, và bắn sập nhà bếp, đang khi gia
đình đã an toàn trong hầm trú ẩn. Sau ngày nghỉ phép, tôi về
phục vụ trong ban dân sự vụ của lữ đoàn 18 quân cảnh Hoa Kỳ.
Với công việc thông phiên dịch, tôi đi theo thiếu tướng tư lệnh
trên trực thăng bay quan sát chiến trường.
Tôi cũng theo đoàn dân sự vụ đi công tác phát thuốc men, thực
phẩm, tiền bạc cho người nghèo, hoặc xây cất bệnh viện, trường
học, cầu đường ở vùng thôn quê hẻo lánh… Tôi cũng bị đạn địch
bắn hai lần và có chiến thương bội tinh. Sau hai năm Hoa Kỳ
chuẩn bị về nước, tôi được chuyển sang ngành phi hành của Không
Quân Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian đó vợ tôi sinh con đầu
lòng và mang tên Phạm Kiều Việt Bảo.
Gia đình sinh hoạt trong khu
cư xá sĩ quan Hoàng Hoa 3, Bình Thủy
Ngày nay sau 55 năm kỷ niệm ngày thành hôn mùng 7 tháng 4, chúng
tôi xin cảm tạ Ơn Trời và Ơn Tổ đã ban cho cuộc sống bằng an và
hạnh phúc. Đặc biệt, chúng tôi cũng xin cảm tạ Cha Mẹ đôi bên đã
ban cho vợ chồng chúng tôi diễm phúc làm người, chăm sóc chúng
tôi cho tới khi các ngài qua đời, và phù độ cho chúng tôi cùng
toàn thể gia đình con cái cháu chắt và những người thân thương
đoàn tụ trong ngày Lễ Mừng Kim Khánh như trong video ghi nhận
sau đây: