Kính chào quý vị và các bạn đến thăm trang chủ www.phamvanban.org

 

Xin kính mời bạn đọc CON NGƯỜI THỜI ĐẠI

do Con Cháu Tiên Rồng xuất bản năm 2022

 

 

 

&

 

KINH xuất bản năm 2023

 

 

 

 

 

 

Không Tạc Lộc Ninh

 

Nam Hòa Audio - Komi Huỳnh đọc

 

 

  

             Tôi sao quên trận Không Tạc Lộc Ninh vào năm 1974, với sự tham dự hàng trăm chiến đấu cơ của binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, điều khiển bằng hệ thống hướng dẫn đánh bom định vị BOBS (Beacon Only Bombing System) tấn công thủ đô của cái gọi là cơ quan đầu não chính phủ cách mạng, do cộng sản Hà Nội dàn dựng, để tuyên truyền lừa bịp dư luận thế giới trong chiến tranh Việt Nam trước đây.

Vùng đất ‘hoàng triều cương thổ’ của Việt Cộng (VC, Vi-Xi) thuộc tỉnh Bình Long, nằm trên Quốc Lộ 13 cách Sài Gòn khoảng 60 cây số. Do chính phủ bù nhìn Vi-Xi khai sinh từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, theo Nghị Quyết số 15 năm 1959, của trung ương đảng Lao Động Việt Nam tức tiền thân đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay.

Buổi sáng đẹp trời mùa thu năm ấy, sau bữa café điểm tâm cùng các bạn Sơn, Đảo, Phước… ở quán nằm cạnh phòng điện ảnh Sư Đoàn 4 Không Quân, tôi ra xe trở lại phòng trực hành quân đơn vị, vào phòng tiếp liệu lấy dù, mũ áo súng đạn để chuẩn bị ra trận đánh giặc. Không đoàn hôm nay nhộn nhịp khác thường, kẻ ra người vào tấp nập và bàn chuyện hành quân oanh kích thủ đô ồn ào như di vỡ tổ.

Không Đoàn 74 Chiến Thuật của Sư Đoàn 4 Không Quân tọa lạc tại Phi Trường Bình Thủy quận Trà Nóc tỉnh Phong Dinh, gồm có 3 phi đoàn khu trục phản lực A37 là Thần Báo 520, Satan 526, Thiên Sứ 546 và 3 phi đoàn quan sát. Riêng các hoa tiêu khu trục vừa nhận lệnh không tạc Lộc Ninh, cất cánh từ Trà Nóc với 30 A37 trang bị đầy đủ cấp số hỏa lực bom đạn, mỗi máy bay mang 6 quả 250/ hay 4 quả 500 cân Anh/ mỗi quả, hoặc mang hỏa tiễn chống tăng T54.

Trận không tạc này, phi cơ số 1 là Đại Tá Nguyễn Quang Ninh, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 74 Chiến Thuật chỉ huy tổng quát. Bảy phi tuần trưởng và phi tuần phó hướng dẫn các thành viên của mình bay hợp đoàn theo đội hình phi tuần nặng, 4 phi cơ trong mỗi phi tuần và 7 phi tuần nặng bay lên thành đại phi tuần, trông tợ trận không kích Tora Tora của Nhật Bản đánh xuống Trân Châu Cảng ở thời Đệ Nhị Thế Chiến năm xưa.

Cất cánh từ phi trường Bình Thủy chiến đấu cơ nhắm điểm tụ bay vòng chờ ở Long An. Sau khi hợp đoàn, đại phi tuần lấy cao độ 35 ngàn bộ và bình phi về hướng biển Vũng Tàu, để hội nhập thêm với hai cánh quân khác của Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 5 cũng có cấp số hoa tiêu và A37 trang bị tương đương. Tổng phi tuần lúc này bao gồm ba đại phi tuần của các Sư Đoàn 4, Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 2 hợp lại rồi đổi băng tầng BOBS bay về hướng Bắc theo Quốc Lộ 13.

BOBS là hệ thống vận hành và định vị mục tiêu bằng vô tuyến (radio becon) trong việc điều khiển các phi cơ tiến đến oanh kích thủ đô Lộc Ninh. Trong tai tôi cũng bắt đầu nghe tiếng morse tíc tè, ví dụ bay sang bên phải là chữ A, ký hiệu tíc tè [._] còn lấy về phía tay trái là chữ N thì nghe tè tíc [_.]. Nếu bay lệch đường bay mà phi công không chịu chỉnh hướng thì tiếng morse phát ra to dần hơn cho tới khi âm thanh đó có thể phá rách màng nhĩ, bị điếc (Inab).

Khi bay hướng tới tọa độ mục tiêu (heading to target) sẽ nhận tín hiệu 10 giây đếm ngược (ten second countdown tone) từ số 10 về tới Zero, rồi nghe tiếng “bíp…” thì toàn thể bấm nút thả bom đồng loạt. Với bao trăm qủa bom rơi xuống tọa độ mục tiêu như trải thảm, rồi bùng nổ kinh thiên động địa khiến cho Việt Cộng hoảng hồn khiếp sợ, tưởng đâu pháo đài B52 hay cánh cụp cánh xòe của sư đoàn anh cả đỏ tham chiến thời 1965 trở lại,… sau ngày ký kết Hiệp Định 1973 ngưng bắn Ba Lê!

 

Bản Đồ Lộc Ninh

 

 

 

Sáng nay lệnh oanh kích từ Phòng Hành Quân Chiến Cuộc Sư Đòan 4 Không Quân, truyền qua điện thọai “đỏ” đặt trên bàn Sĩ Quan Trực reo vang. Nhóm hoa tiêu khu trục lúc ấy đang vây quanh bàn cờ tướng tới hồi chiếu bí, kẻ mách nước đứa tài lanh hiến kế cho đôi quân trắng đen thắng cuộc. Vì ham vui cho nên nhiều anh chưa kịp ăn sáng! Đang lúc ồn ào như cái chợ, tiếng reng điện thoại trấn át mọi thứ âm thanh, và mọi người nhìn nhau đều biết chuyện gì xảy ra. Trong phút thinh lặng, không ai bảo ai nhóm cờ tướng đột ngột phóng ra cửa để chạy tới xe bánh mì đậu gần lô cốt trước cổng, và mỗi anh thủ một ổ thịt nguội nhai ngấu nhiến hầu tránh làm ma đói!

Thoáng chốc họ đã trở lại phòng trực tập họp một trăm phần trăm quân số để ký tên vào sổ bay, lấy lệnh hành quân, lấy dự báo thời tiết, lấy bản đồ và chấm tọa độ mục tiêu, cùng tình hình địch bạn. Nhìn theo lối rẽ về hướng ra phi đạo, từng hàng xe pick-up chuyên chở phi công ra đến ụ che chắn máy bay (lô cốt), lấy tàu và đề máy.

Phi vụ Không Tạc Lộc Ninh của Sư Đoàn 4 hôm nay là một đại phi tuần, bao gồm 7 phi tuần nặng. Mỗi phi tuần nặng có 4 phi cơ bay hợp đoàn do người phi tuần trưởng (phi cơ số 1) chỉ huy, bay cánh phải là phi tuần viên (phi cơ số 3), cánh trái của phi cơ số 1 là phi tuần phó (phi cơ số 2) có nhiệm vụ dẫn dắt máy bay của phi tuần viên số 4 bay cánh trái.

Các phi tuần trưởng và phó điều động thành viên bay đội hình gồm ba phi đoàn Thần Báo, Satan, Thiên Sứ cất cánh lấy cao độ và bình phi ở 35 ngàn bộ, tới điểm hẹn Vũng Tàu thì tập hợp với hai sư đoàn không quân mà chuyển sang tầng số của BOBS và đổi hướng về phía Quốc Lộ 13. Đánh bom Lộc Ninh, bao gồm phi trường và những dãy phố trong hãng xưởng sản xuất cao su đã có từ thời Pháp thuộc để lại. Hiện nay bị Việt Cộng xâm chiếm, xây dựng nhằm tuyên truyền lừa bịp dư luận thế giới về thắng lợi của chúng với 3 yếu tố thủ đô, lãnh thổ và dân chúng để thành lập một quốc gia riêng. Đây cũng là dữ kiện chính trị mà cơ quan ngôn luận truyền thông quốc tế quan tâm, yểm trợ và thiên vị về phe phản chiến ở Hoa Kỳ, đồng thời họ gây bất lợi cho công cuộc chiến đấu tư vệ của Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi bước vào phòng dù lấy áo mão súng đạn đi bay, và thành thật mà nói rằng chưa mấy khi đơn vị của tôi đi đánh trận mà vui buồn lẫn lộn như hôm nay. Trong phòng máy lạnh ù ù thổi, mịt mù hơi sương như đang cố gắng trấn áp cái nhiệt độ oi bức của miền Tây Đô nắng đổ. Hơn nữa cái lạnh phòng này còn phải hạ nhiệt, làm giảm sức nóng lo lắng trong lòng một số anh em “lạnh cẳng” trước khi ra trận.

Riêng anh em Thần Báo chúng tôi, nhìn chung tất cả đều can trường nơi tiền tuyến, và luôn giữ quân phong quân kỷ khi về hậu phương, tợ như thi hào Nguyễn Du từng phác họa trong Kiều: “Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa!” Ví dụ, Thiếu Úy Phan Ngọc Phước vai đeo dù nặng nề mà còn đứng ngắm trước gương sửa sang quân phục cho phong nhã, chỉnh lại cặp kíếng Rayban mắc tiền đã sắm từ thời còn học lái máy bay bên Mỹ, xem ra cũng còn mới mẻ và hào hoa ra phết! Xa xa trong góc phòng kia, Thiếu Úy Lê Xuân Vinh đứng tần ngần chắn lối, đang lấy khăn dù lau lại chiếc đồng hồ Rolex “nạm kim cương” cũng đâu thua kém các vua dầu hỏa Trung Đông!

Và Thiếu Úy Phạm Văn Bản, có đại danh “Bản Mát” cũng không quên rút giấy mực kẹp vào tập Checkbook dành ghi nhật ký trong ngày. Đang lúc sửa soạn đi bay, thì nhân viên phòng dù Hạ Sĩ Nguyễn Văn Nam bước lại, lên tiếng phá tan bầu không khí yên tĩnh trong giờ thứ 25: “Em cám ơn Thày. Nhờ thày giúp em học ôn, mà em thi đậu bằng tú tài!” Nghe giọng quen thuộc, tôi ngước lên nhìn người anh em Không Quân, bắt gặp ánh mắt đẫm lệ của Nam, người học trò trong lớp luyện thi của tôi tháng qua. Lớp học này đặt tại Phòng Điện Ảnh của Sư Đoàn 4 Không Quân.

Ngày ấy nhóm chuyên viên điện ảnh, Hạ Sĩ Nguyễn Văn Đảo là bạn đồng hương, biết tài giáo khoa của tôi từng phụ trách lớp luyện thi tú tài, do hội bảo trợ Chương Trình Dân Sự Vụ (Civic Action) của Lục Quân Hoa Kỳ (US Army) khi tôi còn làm trung sĩ thông dịch viên của căn cứ Long Bình, và lớp học này mở tại trường trung học Ngô Quyền với kết quả khóa thi mỹ mãn. Bởi thế Hạ Sĩ Đảo khẩn khoản mời, ngoài giờ bay bổng thì xin giúp cho anh em ở đây có giờ học ôn, vì khóa thi của Nha Khảo Thí/ Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức kỳ thi Tú Tài tại trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ vào trung tuần tháng 8 năm 1974.

Thấy anh em nhiệt tình và hiếu học, tôi cũng đành chiều lòng mà nhận lời, rồi nhờ Chuẩn Úy Nguyễn Văn Điện, Trưởng Phòng Điện Ảnh đứng ra thực hiện lớp học, đệ đơn trình Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Tần, Tư Lệnh Sư Đoàn IV Không Quân ký giấy phép mở lớp luyện thi. Dù là học ôn, nhưng tôi cũng phải trình bày tường tận từng chi tiết của các môn học, sao cho học viên lĩnh hội kiến thức giáo khoa một cách dễ dàng, rõ ràng.

Riêng vào giờ học thì có thể bắt đầu bất cứ lúc nào khi tôi có giờ dạy, kể cả sáng trưa chiều tối. Và ngày khai giảng cũng đông sĩ tử, cũng “một thầy một cô một chó cái, học trò dăm đứa. . .” (Cao Bá Quát) nhưng bỏ cuộc dần dần… Còn lại 6 học trò, trong số ấy có tài xế Nam đang lái Pickup màu da trời, đậu trước phòng tiếp liệu để đưa đón hoa tiêu ra vào phi đạo.

Tình cảm lê thê của Nam với tôi chỉ ngắn gọn có thế thôi. Riêng tôi thì hú vía, và tự nghĩ mình cũng thật là may phúc! Vì kỳ thi hôm ấy có kết quả sáu người học Đảo, Nam, Sơn, Tùng, Nghĩa, Giàu thi đậu và có bằng Tú Tài toàn phần! Dân gian ngày ấy có câu, “Rớt tú tài anh đi trung sĩ” thì bạn đọc hiểu rằng cái bằng nó thiết thực với anh em binh sĩ trên đường tiến thân.

Với văn bằng Tú Tài, bạn ấy có thể làm đơn xin theo học khóa huấn luyện sĩ quan, trở thành người lãnh đạo chỉ huy, thăng quan tiến chức, công danh sự nghiệp! Cũng bởi tầm mức quan trọng như thế, cho nên tiệc mừng của “ông nghè ông cống” mời tôi, vào ngày 22 tháng 8 năm 1974 với món rựa mận tiết canh hiếm quý!

Và cũng trong cái đêm chén tạc chén thù ấy, tôi phải gượng tỉnh cơn say để chở vợ vào bảo sanh viện Thủ Khoa Nghĩa, Cần Thơ. Đó cũng chính là ngày sinh nhật của trưởng nữ Bảo Ngọc chào đời!

Giờ đây gặp Nam trong tình thày trò quyến luyến như Chinh Phụ Ngâm, khiến tôi gượng khổ làm vui. Nhưng có lẽ Nam lại nghĩ về tôi rằng, trước giờ phút xuất quân thì dữ nhiều lành ít hoặc “mấy ai đi trở lại, lỡ khi mình không về. . .” (Hữu Loan). Nam chạy lại đỡ chiếc dù nặng nề của tôi đặt ra xe giữa những tiếng cười đùa trong đám đồng nghiệp: “Bản Mát, làm thày có khác, có đệ tử vác dù.” “Chắc năm sau, tớ cũng mở lớp luyện thi, kiếm đệ tử.” “Nhớ Đời ngoài Bình Thủy, quán thịt nai đồng quê ấy càng ngày càng đắt khách!”

Phước Inab — học bay ở Sheppard bị thủng màng nhĩ — bỗng dưng cười phá lên, lôi cả mớ bùa thi ESL hộ mạng ngày nào ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội, ra đọc. Các câu chấm đúng vần A, B, C thì giữ nguyên vần, còn chữ khác chấm con D. . . Bài bùa bắt đầu: “Cậu Á hỏi Bác Bản: 1 (C) 2 (A) 3 (D) 4 (B) 5 (B)…” Rồi cứ thế, Phước thao thao bất tuyệt cho tới khi bài thi ESL kết thúc ở câu thứ 100, thi trắc nghiệm Anh Văn ai đánh bùa trúng thì đậu và đi du học Hoa Kỳ…

Thế là tất cả phi hành đoàn ngồi trên xe, bất kể các cấp từ Tá xuống tới Úy, đều ôm bụng mà lăn ra cười! Chiếc công xa từ từ ngưng bánh đậu trước ụ A37, tôi nhìn đúng số tàu, xách dù leo nhanh như muốn trốn lời nhắn gởi cuối cùng của Nam, “Bảo trọng, nghe thày!” Tôi vẫn còn nhớ trận cười vừa qua, không sao dơ tay lên để đáp lại cái chào quân kỷ của Hạ Sĩ Nam, rồi vội vàng nổ máy.

Sau phút lăn bánh tiến ra phi đạo, tôi tăng tốc và cất cánh, rồi điều khiển con tàu êm ả tiến vào vị trí cánh phải phi tuần trưởng của tôi đang làm vòng chờ, trong đội hình 30 khu trục phản lực cơ A37 của Không Đoàn 74 Chiến Thuật. Vừa bay trong hợp đoàn, tôi cảm thấy cứ nghi về chuyện gián điệp trong trận không tạc Lộc Ninh này, không biết trận đánh lớn này có đạt kết qủa thành công như ước muốn chăng? Liên tưởng câu chuyện kỹ thuật xâm nhập và gài người Cộng Sản Bắc Việt vào hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa để thu thập tin tức và đánh phá, tập tài liệu mà đêm trực chiến hôm trước của phi đoàn tôi đã đọc.

Vụ gián điệp Huỳnh Văn Trọng, làm phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trọng nguyên là một cán bộ Cộng Sản Bắc Việt được gài vào chức vụ cao nhất trong cơ quan hành pháp. Cộng Sản Bắc Việt đã dùng tiền mua chuộc cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ CIA, để giới thiệu Huỳnh Văn Trọng qua trung gian viên chức tình báo cao cấp Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn của Tổng Thống Thiệu, giúp Trọng xâm nhập vào tận Dinh Độc Lập.

Bởi thế, những kế hoạch tối mật được sọan thảo chưa thực hiện, thì Trọng đã tiết lộ cho Cộng Sản Bắc Việt biết hết. Từ những dự tính chính trị mang ra áp dụng tại Hội Nghị Paris năm 1971, Dinh Độc Lập mật điện cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa hôm trước để ngày hôm sau trưởng phái đoàn sẽ đưa ra hội nghị. Nhưng Cộng Sản Bắc Việt và Nguyễn Hữu Thọ đã biết trước, đã phản biện bằng cách nhanh gọn và thắng kiện bất ngờ!

Tiếp đến, kế hoạch đánh chiếm Hạ Lào năm 1972, theo lời một sĩ quan tham mưu Lữ Đoàn Nhảy Dù, thì phía Cộng quân đã được biết trước tất cả, cho nên chúng án binh bất động, chờ ta để mà lãnh những tổn thất lớn! Bởi thế, trận không tạc thủ đô Lộc Ninh năm 1974 của Không Đoàn 74 Chiến Thuật phải khiến tôi nghi ngờ, mặc dù trong tai tôi vẫn còn những dấu âm thanh tích tè, báo đúng lộ trình của đài BOBS!

Bầu trời trong xanh không gợn áng mây, phi tuần đoàn đang từ từ chuyển hướng về phía Lộc Ninh. Chúng tôi lắng nghe quan sát viên L19, Họa My đang có mặt trong vùng báo cáo:

“Tình Hình Tổng Quát: Tọa độ mục tiêu là phần đất thuộc Quận Lộc Ninh, Tỉnh Bình Long, phía Bắc là đường biên giới Việt Miên, phía Đông là Sông Bé, phía Nam là Suối Cát. Địa thế có cao độ 6000 bộ, bao gồm 45% rừng xam chen lẫn tre hoang, 35% rừng cao su, 25% rừng cây ăn trái và vùng dân cư. Lợi dụng địa thế hiểm trở, sát cạnh biên giới và hành lang Sông Bé, Việt Cộng thiết lập một vùng có nhiều căn cứ, nhất là căn cứ 350 được đặt làm thủ đô của “chính quyền cách mạng lâm thời” thâm nhập sâu đến Quốc Lộ 14 A, địch quân phục kích các đoàn quân xa, đánh mìn và chận xe đò thu tiền cước phí nuôi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Tổng hợp các tin tức tình báo cho biết: Tiểu Đoàn D368 với các thành phần chủ chốt như sau: Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Huỳnh Phúc Kháng, Tiểu Đoàn Phó là Thượng Úy Tô Minh Diệp, Chính Trị Viên là Đại Úy Huỳnh Văn Bằng. Quân số 100. Trú ẩn tại TDB.XU.875045 đã thiết lập tại vùng này nhiều cơ sở, như Trạm Xá (TBD.XU.840010), Kho Bảo Trì vật liệu và Ban Thông Tin (TBD.XU.861045).

Theo nguồn tin tình báo cho biết, Việt Cộng vừa thiết lập một căn cứ mới có xe tăng T54 tháp tùng, gồm có khoảng 25 hầm chứa xe tăng T54, và 250 người, có thể đây là căn cứ mới gọi là thủ đô. Riêng tại vùng Đông Nam Lộc Ninh theo tin kỹ thuật ghi nhận một đơn vị Việt Cộng cấp Trung Đoàn (E6) đã xâm nhập nội địa Việt Nam.”

Sau phần trình bày về “Tình hình tổng quát,” Họa My cho biết mục tiêu đánh bom vào tất cả những khu nhà xây có mái ngói đỏ trước mặt nằm trong khu rừng cao su, phía đông phi đạo Lộc Ninh. Theo lệnh hành quân, nếu như phương án (một) đánh BOBS vì lý do gì mà không thả bom được, thì các phi tuần sẽ theo lệnh “Break,” đội hình để thực hiện phương án (hai) tức tấn công mục tiêu theo phương pháp ngoại quan, như kiểu đánh bom bình thường hàng ngày.

“Tíc. . . tè. . ., tè… tíc…” Âm thanh tín hiệu càng gần mục tiêu thì càng phát ra lớn hơn. Khu nhà lớn mái ngói đỏ trong rừng cao su nằm phía đông phi đạo Lộc Ninh đang hiện ra rõ trước mặt. Âm thanh của đài phát tuyến BOBS hướng dẫn rất đúng, tôi liếc qua tấm bản đồ rồi định hướng cũng rất đúng. Với tầm bay 15 ngàn bộ trên mục tiêu lúc này, trừ ra 6 ngàn bộ cách mặt đất tôi còn lại cao độ 9 ngàn bộ là độ cao lý tưởng nhất và an toàn nhất trong phương pháp thực hành thả bom ngoại quan!

Trước mắt tôi mục tiêu khu nhà ngói đỏ, liếc sang cánh phải phi cơ của tôi giữ vững khoảng cách với cánh trái một thước vuông (3 feet) của Thiếu Tá Bùi Văn Minh, và tôi thấy phi tuần trưởng ra lệnh kiểm soát dầu. Thiếu Tá Minh dơ ngón cái của bàn tay phải nắm lại rồi đưa lên cao, ngửa mặt lên trời rồi nghiêng ngón cái ấy phía miệng, như người tu rượu…

Tôi nhận lệnh bằng gật đầu, kiểm soát nhiên liệu phản lực JP4! Săng dầu còn nhiều, tôi dơ cao ngón cái đáp lời. Liếc sang bên cánh trái, tôi thấy Trung Úy Trần Trung Tỷ, phi tuần phó cũng đang ra lệnh cho phi tuần viên Thiếu Úy Phan Ngọc Phước kiểm dầu.

Chưa tới điểm thả bom, âm thanh BOBS chưa phát tín 10 giây đếm ngược: “Tích. . . tè. . . tè. . . té!” Khi nghe tiếng “té” thì bấm nút thả bom! Dễ ợt! Ấy thế mà lắm anh, ngày còn học bay thả bom BOBS với mấy quả bom giả bằng cẳng tay ở Căn Cứ Không Quân New England, Tiểu Bang Louisana mà ném vào mục tiêu còn cà trật cà duột! Bỗng nhiên bầu trời nổi lên từng điểm khói trắng nổ tỏa ra như mây cumulus, và đoàn bay hô “Break!” Quái ác thay, máy vô tuyến của tôi bị trở ngại, không còn liên lạc được với ai. Mọi người đã rời vùng để lấy hướng bay Long An để về đáp ở Cần Thơ, nhưng tôi không biết, và “Phước Inab” cũng hét lên muốn bể bầu trời mà tôi vẫn không nghe âm thanh nào!

Toàn bộ hỏa lực của địch lúc này đang nhắm vào tôi, tôi giựt mình thoáng nghĩ nếu không xuống đánh, không đập tan được mục tiêu thì chắc gì mình đã an toàn rời vùng, vì kinh nghiệm bao năm qua cho tôi biết thế. “Mãnh hổ nan địch quần hổ,” từ 15 ngàn bộ tôi đang bay cũng là tầm nhắm lý tưởng của các cây súng cao xạ phòng không ngựa trời mà địch đang bắn lên từ khu nhà mái ngói đỏ!

Có những quả đạn đỏ lừa xuyên qua tàu tôi trong gang tấc, rồi Cộng quân cứ thế mà nổ, nổ “vô tư!” Nhìn vào cuộc diện chiến trường, kiểm soát lại mọi điều kiện nhiên liệu, hỏa lực của mình đang có và mở hết các khóa an tòan, tôi lao xuống trong khi chờ tiến đến đúng điểm thả bom, thì tôi đã bóp cò hết mấy chục ngàn viên đạn nhắm xuống khu nhà mái ngói đỏ kia. Và khi đạt đúng tầm thả bom, cách mặt đất 3 ngàn bộ, tôi bấm luôn 6 trái rơi trúng mục tiêu!

Nhìn lại mục tiêu đang bốc lên với những khối lửa cuồn cuộn, những luồng khói trắng nghi ngút, nhưng những dàn phòng không Việt Cộng sao bỗng dưng hiền lành, im re! Tôi đảo người lấy lại cao độ rồi phi diễn theo bài số 8 (lazy eight maneuver) lượn vòng tăng tốc xóay lên thật đẹp như một con rồng vút cánh tung mây giữa nghìn trùng bao la thơ mộng. Bài học phi diễn này cũng là bài tôi thích nhất từ những ngày còn bay tập ở trường bay Sheppard. Trời Việt Nam là Trời của tôi!

Vì không còn vô tuyến để liên lạc, mở radio nghe nhạc cũng không còn, và bỗng dưng tôi thành kẻ câm điếc. An tòan cho tôi hạ cánh, tôi chọn phi trường Biên Hòa để đáp. Tôi làm vòng chờ và thực hiện đúng theo bài học mà mình đã học ở trường bay Hoa Kỳ, bánh hạ cánh cản và xin đáp khẩn cấp theo dấu hiệu đèn báo. Đài kiểm báo của phi trường Biên Hòa đã nhận lệnh theo yêu cầu xin đáp khẩn cấp vì mất liên lạc vô tuyến của tôi, đài trực cuối phi đạo RSU bật đèn, và tôi theo lệnh ánh sáng đèn mà đáp.

Tới cuối đường băng, tôi phải ngừng lại theo lệnh của cơ quan an phi điều tra. Sau khi tôi được chứng thực về lỗi kỹ thuật vô tuyến liên lạc, thì tôi lại chịu tra vấn về vụ ném bom xuống trúng mục tiêu. Chính lúc này những câu thẩm vấn của cơ quan điều tra, đã tự trả lời cho tôi nhiều nghi vấn mà tôi suy ra trong lúc còn đang bay trên đường đánh giặc. Mặt khác, vì dù sao tôi cũng đã trải qua kinh nghiệm người trưởng lưới của Hoa Kỳ ở Long Bình năm xưa, nên cũng chẳng lấy gì làm lạ! Nhất là thời buổi nhiễu nhương này.

Giữa những phút Cộng Sản Bắc Việt huyênh hoang tấn công miền Nam tự do, Tổng Thống Thiệu đã yêu cầu Hoa Kỳ cho B52 yểm trợ, nhưng không thành. Để dạy cho Việt Cộng bài học, nếu như không có B52, thì cũng có A37 rải bom như B52 vậy. Nhưng kế hoạch đánh Lộc Ninh vào những tháng cuối năm 1974 đã bị bại lộ!

Chắc chắn đã có gián điệp làm nội tuyến để ngăn cản trận bom Lộc Ninh, nhưng vô tình đã bị hỏa lực của tôi phá hủy. Bởi thế mà tôi chuyên tâm học hỏi Lời Tổ về nguyên lý Đồng Bào với tổ chức và lãnh đạo xã hội Một Bọc Trăm Con trong tuyệt tác Chính Thuyết Tiên Rồng.

Ngày nay tôi được dịp kể lại câu chuyện này với anh em trong Phi Đoàn Thần Báo có sự hiện diện của Đại Tá Ninh, tại San Jose trong dịp Đại Hội Khu Trục ngày 7 tháng 5 năm 2005, rồi sau đó tôi về Việt Nam lôi Phước ra kể tiếp, khiến Phước ôm bụng cười bò giữa chốn chợ cá Trần Quốc Toản, Sài Gòn về bài học điệp viên!

 

 

Pham Văn Bản là Thuyết Trình Viên của hãng Boeing ở Everett, Washington

 

 

 

 

 

Xin mời đọc tiếp

 

 

1. Không Tạc Lộc Ninh                     2. Đức Tính Lãnh Đao

 

3. Truyền Thuyết Nền Tảng               4. Truyền Thuyết Sống Thực

 

5. Truyền Thuyết Phục Hưng              6. Nguồn Gốc Con Người

 

7. Thời Đại Con Người                        8. Thời Đại Săn Hái

 

9. Thời Đại Nông Nghiệp                    10. Thời Đại Công Nghiệp

 

11. Thời Đại Tín Nghiệp                     12. Thời Đại Việt Nam

 

 

Những tài liệu khác xin mời vào đọc trong tiết mục: Tác Phẩm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

| Trang Chính    | Tiểu Sử |   | Tác Phẩm |   | Hình Ảnh |   | Thân Hữu |

© 2000 Vietnamese Liberal And Democratic Organization (VLDO). All Rights Reserved

© Educational Research: Competencies for Analysis and Application