Kính chào quý vị và các bạn đến thăm trang chủ www.phamvanban.org

 

Xin kính mời bạn đọc CON NGƯỜI THỜI ĐẠI

do Con Cháu Tiên Rồng xuất bản năm 2022

 

 

 

&

 

KINH xuất bản năm 2023

 

 

 

 

 

 

Thời Đại Con Người

         

Tiến trình văn minh nhân loại được khởi sự từ thời đại săn hái qua các chế độ chính trị bộ lạc, gọi là thời tiền sử (prehistory) tiến hóa hàng chục triệu năm, để tiến hành tới thời đại nông nghiệp (agricultural age). Thời đại nông nghiệp có nhu cầu kinh tế là đất nước và hạt giống, nhu cầu chính trị của thời đại là quân chủ, và nhu cầu xã hội được định đoạt trên bảng giá trị thời đại.

Thời đại nông nghiệp là một đợt sóng đầu tiên làm thay đổi con người và đời sống xã hội. Nó đã phải trải qua ba thời kỳ tiền nông nghiệp, nông nghiệp, hậu nông nghiệp và  kéo dài hàng chục ngàn năm. Biểu tượng của thời đại nông nghiệp là cái cày, ông tổ là Thần Nông, và chế độ chính trị là quân chủ.

Tiếp đến, đợt sóng thứ hai đã làm biến đổi toàn bộ đời sống con người và xã hội. Kể từ khi phát minh ra máy hơi nước, và áp dụng máy này vào kinh tế sản xuất thì thời đại kỹ nghệ (industrial age) ra đời. Thời đại này cũng trải qua các thời từ tiền kỹ nghệ, kỹ nghệ, và hậu kỹ nghệ tới ngày nay là hơn ba trăm năm. Nhu cầu kinh tế của thời đại là nhiên liệu và công nhân. Biểu tượng cùa thời đại là nhà máy cột khói, ông tổ là Newton, và chế độ chính trị là dân chủ.

Đợt sóng thứ ba trên tiến trình văn minh nhân loại đã khởi sự từ năm 1953, từ khi Hoa Kỳ phát minh ra máy điện toán (computer), tức là thời đại tín liệu (information age) ra đời để khai tử các thời đại ngày trước. Nhu cầu kinh tế của thời đại mới này là kiến thức và dữ kiện. Biểu tượng là máy điện toán, chế độ chính trị là tân dân chủ và đang xuất hiện với nhiều hình thức cai trị mới đáp ứng nhu cầu chính trị của thời đại mới này.

 

I. Thời Đại Săn Hái

 

 

Trong thời kỳ này, các bộ lạc được chia ra hai loại: du mục và nông nghiệp. Từ khuynh hướng này con người phát minh ra hai cách cai trị: chế độ mẫu hệ, và chế độ phụ hệ.

 

                                1. Chế Độ Mẫu Hệ

 

Các bộ lạc chủ yếu về nông nghiệp thì tổ chức công việc cai trị theo chế độ mẫu hệ. Người đứng đầu bộ lạc, trưởng tộc/ hay trưởng bộ lạc là nữ giới. Người phụ nữ đã giữ vai trò lãnh đạo chính trị đang khi nam giới chỉ phụ thuộc. Theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đứng đầu bộ tộc, từ gia đình ra ngoài xã hội, như Trưng Vương, Triệu Vương và các nữ tướng, nữ binh.

 

2. Chế Độ Phụ Hệ

 

Các bộ lạc du mục thì nay đây mai đó, không có chỗ ở nhất định và họ tìm đến vùng sữa mật để sinh sống. Khi vùng đất ấy trở nên khô cằn thì họ lại đi tìm vùng màu mỡ khác. Vì đời sống du mục thường gặp nhiều chướng ngại trên đường di chuyển như thú dữ, bộ lạc hiếu chiến khác… nên nhu cầu lãnh đạo phải là người có đủ sức mạnh đối phó, và nam giới được chọn làm trưởng tộc/ trưởng bộ lạc, từ đó chế độ phụ hệ ra đời. Ví dụ: Thành Cát Tư Hãn, Tổ Phụ Abraham…

Với hai chế độ mẫu hệ và phụ hệ, thì chế độ phụ hệ có phần trổi vượt hơn, lấn lướt hơn, vì quen sống chiến đấu để tranh giành, xâm chiếm đất đai. Khi các bộ lạc du mục đến tranh đoạt, dân theo mẫu hệ thường yếu thế hơn, vì không quen chiến tranh, không thích cảnh chém giết nên họ phải bỏ vùng định cư mà di tản đi nơi khác. Nhưng rồi đất đai cũng có giới hạn mà lòng người thì tham vô đáy, vì thế có nhiều bộ lạc bị diệt vong hoặc đồng hóa. Thiểu số bộ lạc sống sót, vì nhu cầu sinh tồn nên họ phải liên kết lại mà thành lập ra quốc gia.

Những bộ lạc du mục cũng thế, vì nhu cầu sát nhập của các bộ lạc để đấu tranh với những bộ lạc hùng mạnh khác, cộng thêm tình trạng dân số gia tăng, đất đai có chủ và cần tổ chức xã hội qui mô để bảo vệ, để canh phòng cương vực sở hữu. Hình thức tổ chức nhiều sắc dân trên vùng lãnh thổ rộng lớn.

Quyền hành nằm trong tay một người với một số thuộc hạ, hoặc họ hàng thân thích để hướng dẫn đời sống dân trong lãnh thổ nhằm phát triển trong trật tự và điều hòa. Lối cai trị với vùng lãnh thổ lớn đó gọi là quốc gia, người lãnh đạo chính trị của quốc gia gọi là vua.

Thể chế quân chủ ra đời, tức Đợt Sóng Nông Nghiệp/ Đợt Sóng Thay Đổi đầu tiên.

 

II. Thời Đại Nông Nghiệp

 

 

Cách nay cả chục ngàn năm, Đợt Sóng Thay Đổi đầu tiên xuất hiện khi con người biết trồng trọt, chăn nuôi, dựng làng và đó là Thời Đại Nông Nghiệp ra đời.

Biểu tượng thời đại nông nghiệp là cái cày. Từ lưỡi cày gỗ mà tiến đến lưỡi cày đồng, cày sắt do trâu bò kéo, nó đã phải trải qua cả một tiến trình với thời gian dài bao nghìn năm lịch sử (ít nhất là 8000 năm như minh họa). Trong thời gian này con người đã có thể tự cuốc xới trồng trọt, chăn nuôi gia súc, làm ăn sinh sống và thành công nhờ sức mạnh bắp thịt, gọi là Thời Đại Cơ Năng.

Con người trong thời đại nông nghiệp, vì cuộc sống phù hợp với thiên nhiên và phát triển tuần tự theo sự xoay vần của vũ trụ, của trái đất xoay quanh mặt trời… cho nên những tư tưởng, luật lệ, luân lý, đạo đức, tôn giáo… đã trở thành khuôn vàng thước ngọc, bất biến, tín điều… và nhiều điều dù không phải là chân lý, nhưng cũng được xem là chân lý. Bởi thế các tôn giáo đã phát sinh từ thời đại nông nghiệp.

 

1. Thể Chế Quân Chủ

 

Từ khi thành lập quốc gia, vua và bày tôi tổ chức ra chính quyền để cai trị dân, gọi là triều đình. Những nước có nguồn gốc du mục (phụ hệ) thường chú trọng tới sức mạnh quân sự, các mặt liên quan đời sống dân sự chỉ là phụ thuộc. Họ tổ chức binh lực để dập tắt các cuộc nổi loạn/ hay muốn thay đổi chính quyền, đề phòng ngoại xâm, mở chiến tranh xâm lấn các nước lân bang, tiêu diệt hay cưỡng chiếm các bộ lạc chậm tiến/ chưa kịp theo đà biến đổi, cải tiến chính trị quân chủ. Trong nước thì họ dùng võ lực để trị dân, áp dụng hình pháp nghiêm nhặt triệt để gọi là Võ Trị.

Những nước có nguồn gốc nông nghiệp (mẫu hệ) thì chú trọng tới việc giáo hóa, hướng dẫn chăm lo đời sống ấm no hạnh phúc của dân, võ lực không phải là điều chính yếu trong việc tổ chức cai trị dân. Hình thức cai trị này là Văn Trị.

Tóm lại, vào thời tiền quân chủ thì các nước có nguồn gốc du mục áp dụng Võ Trị, nặng hình pháp trừng phạt mà hình luật thì lại vô tình. Đang khi các nước có nguồn gốc nông nghiệp dùng Văn Trị, chú trọng giáo hóa, sửa đổi con người, nặng tình hơn lý.

 

2. Quân Chủ Phong Kiến

 

Vua tặng thưởng cho những người có công, gồm tiền của, tặng phẩm hay chức vụ làm động lực thúc đẩy lòng hăng say, nhiệt tình của những ai phục vụ cho chế độ, cho nhân quần xã hội. Tổ chức chính quyền triều đình gồm có vua quan và các phẩm trật chức tước, tước văn tước võ để tưởng thưởng cho các công thần.

Đối với các chức quan nhỏ, dù văn hay võ, khi có công thì được thăng lên chức tương xứng. Nhưng tướng lãnh, hay quan nhất phẩm triều đình, hoàng tộc… thì tiền của hay chức tước lại trở thành thứ yếu. Do đó vua cắt đất tặng cho công thần và họ có toàn quyền xử dụng đất đai, lối tưởng thưởng này gọi là phong kiến (phong hầu kiến địa).

Nhờ lối tổ chức cai trị theo hình thức phong kiến đã giúp cho xã hội phát triển ổn định và điều hòa trong nhiều ngàn năm. Nhưng sau, vì có nhiều lãnh chúa hay tiểu quốc vương trên các lãnh địa gây hấn, xâm lấn, tiêu diệt lẫn nhau trong thời gian dài mấy trăm năm, họ đưa xã hội vào vòng hỗn loạn bế tắc. Bởi đó mà hình thức cai trị mới ra đời từ Âu sang Á… đặc biệt là Trung Quốc vào năm 221 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng thành công trong chính sách “Diệt lục quốc thống nhất thiên hạ” đổi thể chế phong kiến ra Quân Chủ Chuyên Chế.

 

3. Quân Chủ Chuyên Chế

 

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, sau bao trăm năm chiến tranh giữa các tiểu vương quốc, Tần Thủy Hoàng đã dùng bạo lực cưỡng chiếm các lân quốc. Ông đặt quyền thống trị lên các lãnh thổ chiếm được, đoạt quyền bính của các vua, đổi chế độ phong kiến ra chế độ quân chủ chuyên chế. Đồng thời ông tập trung tất cả các quyền hành, thống nhất chữ viết, tiền tệ, dụng cụ đo lường, luật pháp và sách vở. Quyền lực được tập trung vào một tay của ông gọi là Hoàng Đế. Những phần lãnh thổ chiếm được, ông chia làm quận huyện và bổ các quan chức triều đình đến cai trị, và trực thuộc bộ máy cai trị độc nhất của nước.

Song song với chế độ quân chủ phong kiến phương Bắc do các sắc dân có nguồn gốc du mục dùng Võ lực lãnh đạo chính trị, thì ở phương Nam chế độ quân chủ phong kiến dùng Văn Trị. Đặc biệt do Việt tộc lãnh đạo và được hưởng thái bình an lạc hơn 2500 năm từ khi Tần Thủy Hoàng thiết lập thể chế quân chủ chuyên chế. Trong suốt 2500 năm lịch sử của Việt tộc chỉ có 3 lần xảy ra chiến tranh qui mô cấp quốc gia. Lần thứ nhất Ân Cao Tôn xua quân xâm lấn nước ta, và bị toàn dân đánh đuổi khỏi bờ cõi. Lần thứ hai Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai để trả hận bị vây hãm ở núi Cối Kê. Lần thứ ba giữa hai sắc tộc Bách Việt: Việt Vương Triệu Đà xâm chiếm đất An Dương Vương Thục Phán ở thành Cổ Loa. Đang khi cùng khoảng thời gian này thì ở phương Bắc châu Á, Trung Đông, và châu Âu đã xảy ra hàng vạn cuộc chiến tranh kinh hoàng với sức tàn phá tàn khốc.

Đang khi châu Á đã thay đổi thể chế chính trị, từ quân chủ phong kiến sang quân chủ chuyên chế, thì chính trị của châu Âu vẫn còn dậm chân tại chỗ. Các vua, các lãnh chúa châu Âu lại dùng thần quyền, dùng tôn giáo để làm hậu thuẫn chính trị, hay làm dù che khiên chống cho bộ máy cai trị của họ. Mãi tới khi phát minh khoa học ra đời và làm thay đổi các hệ thống gía trị cổ học, rồi nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ tòan bộ hệ thống cai trị của đế quốc La Mã, thì khi đó mầm mống chống đối, phản kháng trong lòng người dân bị trị mới bắt đầu trổ hoa kết trái.

Rồi cũng trong thời gian này đã xuất hiện những đội thương thuyền nối liền các lục địa, với những thương gia giầu có. Giới thương gia càng ngày càng có nhiều thế lực góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội, đồng thời, họ ép buộc vua nhượng bộ và cải tiến hình thức cai trị: Quân Chủ Lập Hiến ra đời.

Vì chính quyền quân chủ phong kiến Châu Âu không còn đủ sức để tiêu diệt, không còn nhà tù để giam giữ… thì lúc đó những nhà thám hiểm, trong đó Christopher Colombus chỉ huy, tìm thấy các đảo nhỏ gần lục địa Châu Mỹ vào năm 1492. Ít năm sau, người khác mới chính thức tìm ra lục địa Châu Mỹ này, ông có tên là Amerigo nên người ta đặt tên cho lục địa là America. Chính sự kiện thám hiểm này đã giúp cho chính quyền Châu Âu giải quyết được những ứ đọng, qúa tải của nhà tù bằng cách đưa chính trị phạm và tội nhân đi đày ở Châu Mỹ. Tiếp đến, những dân ngang bướng sống trên lãnh địa châu Âu, cũng được di cư lập nghiệp trên vùng thế giới mới (New World), nhằm làm giảm cường độ chống đối guồng máy cai trị của các vua quan trong chế độ quân chủ phong kiến châu Âu.

Cách giải quyết nói trên, cũng không làm thỏa mãn nguyện vọng người dân bị trị, bởi dân thời đó đã văn minh tiến bộ mà giai cấp cầm quyền vẫn không thay đổi lề lối cai trị cũ. Rồi từ đó, trên vùng đất Châu Mỹ, các thế hệ tiếp nối của lớp người di dân lưu đày, họ đã tổ chức vũ trang chống lại nhà cầm quyền của đế quốc quân chủ Anh. Cuộc chiến khởi sự từ năm 1775 và kết thúc vào năm 1783, sau khi giành độc lập mười ba thuộc địa của Anh họp lại thành quốc gia Hoa Kỳ. Các đại diện đã cùng nhau thảo luận và soạn thành văn kiện chính thức, trong đó có một số luật lệ và bản qui định quyền hạn của người cầm quyền và người dân bị trị, sự thỏa thuận giữa người thi hành cai trị và người chấp hành luật lệ cai trị gọi là Hiến Pháp Hoa Kỳ, công bố ngày 21 tháng 6 năm 1788. Ngày đó cũng là ngày Thể Chế Dân Chủ ra đời, của một hình thức cai trị mới mà người tham gia chính trị, cai trị do dân bầu ra gọi là Tổng Thống.

 

III. Thời Đại Công Nghiệp

 

Khi đợt sóng nông nghiệp bắt đầu chìm xuống vào cuối thế kỷ 17 tại châu Âu (năm 1750) và cuộc cải hóa công nghiệp bắt đầu ở Anh Quốc, tạo thành đợt sóng vĩ đại thứ hai lan tràn ra cả nước, cả lục địa cả thế giới toàn cầu với nhiều tốc độ khác nhau.

Đợt sóng thứ hai đã làm thay đổi toàn bộ đời sống người dân châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác trên địa cầu với một thời gian ngắn, vài trăm năm so với thời gian bao nghìn năm của thời đại nông nghiệp, hay bao triệu năm của thời đại săn hái. Đợt sóng thứ hai vẫn còn tiếp tục lan rộng ra trên các quốc gia nông nghiệp gọi là những nước chậm tiến, như trường hợp Việt Nam. Nước này hiện nay đang hì hục và cố gắng xây dựng những lò luyện thép, hãng chế tạo xe hơi, xưởng dệt, đường sắt, hệ thống xa lộ, xưởng biến chế thực phẩm… do những công ty nước ngoài vào đầu tư.

Biểu tượng của thời đại kỹ nghệ là cột khói nhà máy. Các đô thị lớn xuất hiện, biên giới làng được tháo gỡ, nếu còn thì chỉ còn trong tâm tưởng, trong tiềm thức mà thôi… Nhờ sự an tòan của xã hội kỹ nghệ, nên gia đình cũng được thu hẹp lại, gồm cha mẹ và con cái, gọi là “vệ tinh hóa,” tiểu gia đình của một đại gia đình trong làng/ thời đại nông nghiệp.

Vào thế kỷ 19, nhiều học giả đã tiên đoán nền kỹ nghệ sẽ chiến thắng vẻ vang nền nông nghiệp chân tay. Sức mạnh kỹ nghệ của Đợt Sóng Thứ Hai dựng nên những đô thị lớn, sản xuất phương tiện di chuyển nhanh, và giáo dục đại chúng.

Tư tưởng của con người trong thời đại kỹ nghệ đã phát triển thành nhiều lãnh vực, làm thay đổi mọi mặt từ đời sống cá nhân, gia đình tới những cơ cấu tổ chức đoàn thể đảng phái, hay công ty xí nghiệp cấp quốc gia và guồng máy cai trị.

 

1. Quân Chủ Lập Hiến

 

Trước Đợt Sóng Dân Chủ Hoa Kỳ tràn qua các nước quân chủ châu Âu, châu Á… đã làm cho vua chúa của các chế độ phong kiến không thể khinh thường, nên họ phải nhường lại cho dân một số quyền tự do, quy định rõ ràng trên văn kiện gọi là quân chủ lập hiến.

Thật ra ý niệm về hiến pháp đã được triết gia Hy Lạp Aristotle bàn tới từ hơn 300 năm trước Tây lịch, khi ông đặt vấn đề về tổ chức cai trị. Nhưng các vua chúa thời đó tới nay trải qua 2000 năm vẫn không muốn thi hành. Nếu lập ra luật pháp, công bố văn kiện hiến pháp thì vua chúa phải chia quyền với dân, và vua chúa sẽ bị giới hạn quyền hành bởi luật pháp chi phối, cũng là điều mà những người cai trị không bao giờ muốn. Nhưng vì không muốn vương quyền của họ sụp đổ nên họ phải thay đổi hình thức cai trị, biến quân chủ phong kiến/ quân chủ chuyên chế thành ra quân chủ lập hiến.

Tiếp đến cuộc cách mạng kỹ nghệ đã sản sinh ra một số đại tư bản, tư bản, và người dân nghĩ rằng thể chế quân chủ đã là mầm mống của bóc lột bất công, cần lật đổ để tranh lấy quyền cai trị. Một lần nữa, các vua chúa của chính thể quân chủ lại cho người dân thêm tự do và quyền hành để bảo đảm sự an toàn cho hoàng tộc. Hình thức cai trị này gọi là Quân Chủ Đại Nghị.

 

2. Quân Chủ Đại Nghị

 

Quân chủ đại nghị là hình thức cai trị của quân chủ lập hiến, nhưng quyền cai trị phần lớn nằm trong tay người dân. Các đại diện dân (dân cử) được giữ, được ứng cử vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, trừ chức vua.

Trong thể chế đại nghị, vua chỉ có trên hình thức trị vì, đang khi quyền cai trị, quyền quyết định lại thuộc về các đại diện của dân. Có thể nói, chính thể quân chủ đại nghị là một hình thức chuyển giao quyền cai trị từ vua sang dân, từ quân chủ sang dân chủ. Một cuộc cách mạng, một cuộc biến đổi thể chế chính trị trong vòng trật tự, ổn định và điều hòa.

 

3. Thể Chế Dân Chủ

 

Sự kiện tuyên bố bản Hiến Pháp Hoa Kỳ mở đầu một hình thức cai trị mới, mọi thành phần xã hội, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, phái tính, tín ngưỡng… đều được quyền tham dự vào mọi sinh hoạt của quốc gia, và bình đẳng trước pháp luật. Hình thức chính trị này gọi là thể chế chính trị dân chủ.

Mặc dù hình thức mới này được sinh sản và thực thi ở châu Mỹ, nhưng phải thừa nhận rằng nó đã được thai nghén từ những cá nhân ưu tú, yêu chuộng tự do và công bằng với lòng nhiệt thành, hăng say nung đúc tư tưởng dân chủ từ môi trường mang thân phận nông nô, tội đày của các lãnh chúa và giai cấp qúy tộc thống trị châu Âu.

Và mặc dù châu Âu có thực thi thể chế chính trị dân chủ, nhưng tinh thần độc tài của các lãnh chúa vẫn còn tồn tại… cho nên nó đã sản sinh ra các lãnh chúa trong ngành kỹ nghệ, gọi là tư bản. Sự chênh lệch của hai giai cấp giàu – nghèo trong xã hội tạo ra bất công và làm tiền đề cho chủ thuyết cộng sản phát sinh, và thể chế dân chủ đã bị diễn giải và thi hành bởi những tham vọng cá nhân có đầu óc bệnh hoạn để trở thành chế độ dân chủ tập trung, dân chủ trá hình, hay phi dân chủ.

 

IV. Thời Đại Tín Nghiệp

 

Trong lúc đợt sóng thứ hai vẫn còn đang tiếp diễn trên các quốc gia chậm tiến, thì đợt sóng khác quan trọng hơn lại đã bắt đầu. Đợt sóng mới khởi nguồn từ đầu thập niên sau Thế Chiến II, và là Đợt Sóng Thứ Ba đang lan tràn trên địa cầu, làm thay đổi toàn diện cuộc sống con người.

Nếu như đợt sóng thứ hai bắt đầu tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1650, thì đợt sóng thứ ba cũng đã chuyển đổi thời đại tại Hoa Kỳ vào năm 1955. Ở thập niên này, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: giới công nhân dịch vụ văn phòng có nhiều hơn công nhân lao động chân tay. Chúng ta thấy xuất hiện máy điện toán, máy bay phản lực thương mại, thuốc kiểm soát sinh sản, và những phát minh kỹ thuật khác.

Ngày nay tại những quốc gia kỹ thuật cao, thì sự va chạm giữa hai đợt sóng nói trên đã làm cho nền kinh tế của đợt sóng thứ hai đông đặc và tàn lụi dần.

Biểu tượng của thời đại tín nghiệp là máy điện toán. Máy này đã làm cho tiền tệ di chuyển với vận tốc ánh sáng, là điều mà những nhà kinh tế học của thời đại trước khó tiên đoán được. Tiếp đến các cơ quan xã hội có chiều hướng lưỡng hệ/ đa hệ, tức nam nữ bình quyền và không mang huyết thống hay liên hệ họ hàng… vì nhân tài là đặc tính của thời đại chớ không độc quyền của một dòng tộc hay sắc tộc.

 

1. Kinh Tế Tín Liệu

 

Trong lúc đất đai, công nhân, nguyên liệu, vốn liếng là những yếu tố sản xuất của thời đại kỹ nghệ, thì kiến thức (knowledge) lại được xem là dữ kiện, tin tức, hình ảnh, biểu tượng, văn hóa, lý thuyết… là yếu tố sản xuất của thời đại tín liệu. Kinh tế tín liệu đặt nền tảng ở các thị xã kỹ thuật cao (hitech city).

Kỹ thuật của thời đại mới làm hạ giá thành của các sản phẩm. Các sản phẩm và dịch vụ lại càng ngày càng rẻ tiền, tiện lợi, nhanh chóng nhờ có kỹ thuật cao. Ví dụ điển hình là trong thập niên trước, giá thành của một chiếc máy in lasser bán ra thị trường với số tiền rất cao, đã mắc gấp ba lần giá thành hiện nay, và cũng nhờ kỹ thuật tân kỳ đã làm cho máy in chạy ra nhanh gấp nhiều lần so với máy thời trước.

Vì kỹ thuật càng ngày càng được tinh vi, nhỏ gọn, rẻ tiền nên nó được phổ biến nhanh chóng và địa phương hóa nền kinh tế khắp nơi. Chính điều này đã tác dụng và làm thay đổi cán cân thăng bằng của các nền kinh tế quốc gia và các khối chính trị.

Kiến thức là điều cần thiết cho việc sản xuất và tạo ra thịnh vượng. Nó làm giảm sức lao động, bớt đi máy móc, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, thời giờ, tiền bạc… và không cần kho chứa hàng hóa. Ví dụ, máy tiện được điện toán hóa nên có độ chính xác rất cao, rất nhanh, bớt hao hụt nhôm, thép và còn giảm giờ làm việc của công nhân. Và nhờ kỹ thuật thông minh kiểm soát nhiệt độ nên máy móc này đã gỉam điện, giảm khí, giảm nước… hoặc xe hơi cũng giảm nhiều nhiên liệu tiêu dùng. Năng lượng mặt trời và sức gió cũng sẽ trở nên đóng góp quan trọng trong kỹ nghệ cũng như tư gia vào một ngày gần đây.

Với mức độ sản xuất trong thời đại tín liệu sẽ nhanh, nhiều, đẹp, nhiều kiểu… và được thay đổi luôn nhờ vào máy điện toán cho phép, một nhà máy chế tạo xe hơi có thể sản xuất ra rất nhiều kiểu xe mới lạ, mà tốn phí trong việc đúc khuôn lại còn rẻ hơn ở thời đại kỹ nghệ.

Thời đại tín liệu là thời mua bán tin tức, sáng kiến, quản trị, văn hóa, kỹ thuật tân tiến, nhu liệu điện toán, giáo dục, huấn luyện, y khoa, tài chánh và các dịch vụ của thế giới. Bởi thế những công nhân trí óc hay lao động chân tay, muốn có việc làm trong thời đại mới này họ đòi hỏi phải có Kiến Thức, nhưng cũng nhờ kỹ thuật tân tiến sẽ giúp cho việc gíao dục mở rộng để có thể đào tạo ra hàng tỷ chuyên viên.

Giá trị của các hãng điện tử, điện ảnh, máy móc gia dụng, xe hơi… ắt lệ thuộc vào sáng kiến, kiến thức cao, sự hiểu biết trong đầu của nhân viên, các dữ kiện của ngân hàng, bằng sáng chế mà các công ty có thể kiểm soát được, chớ không chỉ lệ thuộc vào xe vận tải, hệ thống giây chuyền với những tài sản vật chất khác như thời đại kỹ nghệ. Số vốn kiến thức sẽ tăng trưởng dần, nhưng khó mấy ai nhìn thấy.

Tóm lại, các khám phá về khoa học, kỹ thuật của thời gian trước ắt trở thành lỗi thời. Hệ thống gíao dục cũng phải đặt lại vấn đề. Các cơ cấu tổ chức kinh doanh, xã hội, chính trị… cũng được nghiên cứu để canh tân cải tiến sao cho phù hợp và theo kịp thời đại văn minh tín liệu này.

 

2. Nhu Cầu Kiến Thức

 

 

 Phạm Văn Bản là chuyên viên Boeing

 

Kiến thức là sự hiểu biết thấu đáo một hay nhiều vấn đề. Từ công ty cho tới cường quốc đều thu thập kiến thức trong mọi lãnh vực: truyền thông, văn hóa, nghiên cứu và phát triển bằng nhiều nguồn tài nguyên rộng lớn với những phương tiện tối tân. Phương cách để thu thập tin tức có gía trị  là qua hệ thống tình báo, điệp viên.

Chiến Lược Kiến Thức của quá khứ, hiện tại, và tương lai là tìm cách chuyển các nhân tài/ thiên tài của nước người thành ra của nước mình. Vì nhân tài/ thiên tài là người thông minh, là kho tàng kiến thức, do đó các sinh viên/ học sinh ưu tú đều được cấp học bổng.

Ngay tự ngàn xưa, vấn đề nhân tài và mỹ nữ đã trở thành mối quan tâm đối với triều đình đế quốc, và trong nhiều giai thoại, nhân tài hay mỹ nữ đã làm thay đổi cuộc diện chính trường của một quốc gia. Và để thâu nạp và chiếm hữu nhân tài của các nước chư hầu, thì đế quốc thời đại nông nghiệp cũng đã “chiêu hiền đãi sĩ,” hoặc tìm bắt nhân tài qua hình thức Triều Cống.

Triều cống là dâng nạp phẩm vật hoặc người tài cho nước thống trị. Thời gian bị đô hộ thì Việt Nam phải triều cống Trung Quốc theo thứ tự ưu tiên: thứ nhất nhân tài, thứ nhì mỹ nữ, thứ ba tiền vàng… Và thời nay, chính sách thâu nạp nhân tài phục vụ cho “thiên triều” vẫn còn áp dụng qua những chương trình “săn người”: viện trợ, học bổng, di dân, tuyển mộ chuyên viên nghiên cứu.

Tiếp đến, quân sự hay dân sự, cũng đều xử dụng chiến thuật “tát cạn thông minh,” bằng cách, một là hủy diệt nhà thông thái của đối phương hay hai là thâu nạp các nhà bác học. Và một trong những bí quyết của siêu cường ngày nay, là “ăn trộm thông minh” của các nước chậm tiến.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến khi quân đồng minh chiếm Berlin, các nước đua nhau tìm bắt các nhà thông thái của Đức nhằm ngăn ngừa Đức Quốc Xã sáng chế những vũ khí tối tân, bom nguyên tử… và Hoa Kỳ thành công hơn đồng minh trong công tác này để mang số nhà bác học về nước. Chiến lược “tát nước bắt cá,” các nhà thông thái trong Đệ Nhị Thế Chiến cũng xảy ra nhiều chuyện rùng rợn. Đức Quốc Xã đã giết nhiều nhà khoa học Châu Âu vì không đồng ý mà phục vụ cho tham vọng chiến tranh của quốc trưởng Adolf Hitler.

Ngày nay, chiến lược kiến thức vẫn không tận cùng. Lưỡi kiếm chiến lược kiến thức được mài sắc bén hai bên, một bên thì dùng chém đứt sức tấn công của quân địch, và bên kia lại chặt đứt những cánh tay nuôi dưỡng nó. Hoa Kỳ là một nơi tốt nhất và nuôi dưỡng nhân tài/ thiên tài.

Các nhân tài/ thiên tài của các ngành, các lãnh vực ở khắp nơi trên thế giới đổ xô về Hoa Kỳ để học hỏi, nghiên cứu, tiến thân vì rằng quốc gia của họ không đủ phương tiện cung ứng trong việc nghiên cứu, và giúp họ phát triển tài năng. Ngoài ra, mức lương bổng và nếp sống cao đã thu hút rất nhiều nhà thông thái của thế giới vào Hoa Kỳ để làm việc cho siêu cường nguyên tử.

Cũng trong Đệ Nhị Thế Chiến, kỹ thuật quân sự ở Hoa Kỳ đã tiến bằng vận tốc ánh sáng qua cuộc nghiên cứu và thí nghiệm nguyên tử thành công. Hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản trước đây, nó chỉ là mặt trái của một vấn đề, đang khi việc xử dụng nguyên tử vào kỹ thuật hòa bình, nó đã thúc đẩy nền kinh tế vượt tiến quá nhanh. Từ đó mà ngành tín liệu phát triển và ảnh hưởng ngược lại lãnh vực quân sự.

Như chúng ta biết nhà bác học Von Braun, người phát minh hỏa tiễn V1, V2 của Đức. Hỏa tiễn thì đã có tự ngàn xưa dưới dạng pháo thăng thiên của Trung Hoa. Khi những chiến lược gia Đức Quốc Xã cần vũ khí mới để thống trị thế giới, Von Braun được bổ nhiệm giám đốc trung tâm sản xuất hỏa tiễn. Hỏa tiễn V1 ra đời bằng nhiên liệu đặc biệt và đạt vận tốc 600 cây số/ giờ. Nạn nhân đã từng kinh hoàng với tiếng rú tử thần gầm thét xé tan bầu trời u ám của hỏa tiễn V1, trước khi chạm mục tiêu và tàn phá muôn loài. Chiếc V1 chỉ là bước đầu của Von Braun, đã không phải là mục đích nhắm tới, như lời ông nói trong một buổi thuyết trình về hỏa tiễn. Ông cho biết, hỏa tiễn sẽ mở cửa cho Con Người bước vào không gian vô tận, và từ đó Con Người sẽ cảm nhận sự u tối của chính mình đối với không gian.

Hỏa tiễn V2 ra đời và đốt bằng nhiên liệu lỏng, có vận tốc nhanh hơn vận tốc âm thanh, nên khi hỏa tiễn mang bom nổ tan tành thì lúc đó nạn nhân mới biết mình chết, và đã gây ra kinh hoàng cho thế giới. Những nhà chiến lược Đức Quốc Xã cũng tiếc rằng đã chế V2 hơi trễ, và nếu chế được bom nguyên tử thì quốc trưởng Adolf Hitler không ngần ngại gì mà không cho gắn bom nguyên tử vào hỏa tiễn V2 để tàn sát các quốc gia láng giềng.

Sau này Von Braun cũng làm giám đốc trung tâm hỏa tiễn Hoa Kỳ, và các khoa gia tuyên dương ông làm người mở đầu kỷ nguyên thám hiểm không gian. Và là một giám đốc, ông đã thành công trong nhiệm là được sự hợp tác tích cực của mọi nhân viên. Dù là một nhà bác học, nhưng ông ngay thẳng liêm chính, công bằng, không lạm dụng quyền hạn chèn ép nhân viên dưới quyền, và biết áp dụng quyền lợi như lên chức, lên lương, tặng thưởng để khuyến khích, thúc đẩy nhân viên tích cực hợp tác. Von Braun đã thành công trong vai trò lãnh đạo của mình.

 

3. Nghiên Cứu Phát Triển

 

Các nước văn minh chi tiêu một ngân khoản khổng lồ trong việc “Nghiên Cứu và Phát Triển. Công việc nghiên cứu (Research) của các công ty, hay của quốc gia được nâng lên ưu tiên hàng đầu vì có nghiên cứu tìm tòi học hỏi thì mới khám phá, mới phát minh để phát triển nền kinh tế quốc gia.

Hoa Kỳ chi tiêu những ngân khoản lớn cho việc nghiên cứu. Những trung tâm nghiên cứu này lại được trang bị những máy móc, dụng cụ tối tân bậc nhất thế giới. Chính đặc điểm này đã thu hút nhân tài trên thế giới, vì rằng các nơi khác không đủ phương tiện để nghiên cứu giúp cho người tài thi thố tài năng.

Ngoài ra, chương trình “săn đầu người,” Hoa Kỳ trợ cấp học bổng cho những sinh viên/ học sinh ưu tú đại học/ trung học, và những ai tỏ lộ khả năng xuất chúng ở bất cứ lãnh vực nào trong xã hội, họ cũng đều được đi du học/ tu nghiệp ở Hoa Kỳ, và tạo cho nước này thành nơi qui tụ nhân tài/ thiên tài của cả một thế giới.

 

 

 

 

Phạm Văn Bản tại Sheppard Air Force Base, Texas năm 1972

 

 

 

Xin mời đọc tiếp

 

 

1. Không Tạc Lộc Ninh                     2. Đức Tính Lãnh Đao

 

3. Truyền Thuyết Nền Tảng               4. Truyền Thuyết Sống Thực

 

5. Truyền Thuyết Phục Hưng              6. Nguồn Gốc Con Người

 

7. Thời Đại Con Người                        8. Thời Đại Săn Hái

 

9. Thời Đại Nông Nghiệp                    10. Thời Đại Công Nghiệp

 

11. Thời Đại Tín Nghiệp                     12. Thời Đại Việt Nam

 

 

Những tài liệu khác xin mời vào đọc trong tiết mục: Tác Phẩm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

| Trang Chính  |  Tiểu Sử |   | Tác Phẩm |   | Hình Ảnh |   | Thân Hữu |

© 2000 Vietnamese Liberal And Democratic Organization (VLDO). All Rights Reserved

© Educational Research: Competencies for Analysis and Application