Khổng Tử và những nhà hiền triết
Phương Đông đề cao nguyên tắc vương đạo, đức trị, minh chính làm
tiêu chuẩn cho con người lãnh đạo. Người quân tử thì lời nói –
viêc làm trước sau như một (ngôn hành hợp nhất) khác biệt với
những hành động bá đạo, ma giáo, biểu diễn chính trị của kẻ tiểu
nhân.
“Quân tử hòa nhi bất đồng,” người
quân tử thì sống hòa hợp với mọi người, nhưng không đồng ý kiến
khi thấy người khác đưa ra quan niệm không đúng đắn. “Tiểu nhân
đồng nhi bất hòa.” kẻ tiểu nhân thì lại nịnh bợ a dua theo mọi
người mưu cầu lợi lộc, nhưng lại sống bất hòa, ganh ghét, đả phá
điều hay lẽ phải của người khác.
Phương Tây cũng thế, Tổng Thống
George Washington và những nhà lập quốc Hoa Kỳ từng đề cập điều
kiện đạo đức để thích ứng cho mẫu người lãnh đạo: “Một nhà chính
trị, triết gia hay lý thuyết gia có thể quan trọng, nhưng điều
quan trọng hơn là người ấy có đức tính tốt.” Đức tính tốt là
thành thật, khiêm tốn, liêm sỉ, lời nói – việc làm trước sau như
một. Ngạn ngữ của thổ dân Hoa Kỳ (Native American: White man
speaks with forked tongue) người da trắng nói lật lọng, giờ thế
này lúc thế khác như hai chĩa của chiếc nĩa.
Qua dòng thời gian hoạt động
chính trị, nhiều chính khách ở cấp tiểu bang hay liên bang Hoa
Kỳ phải gĩa từ chính trường với bộ mặt buồn tẻ, vì vướng mắc
tình ái lăng nhăng mà tục ngữ Việt Nam nôm na là chuyện “bố cu
mẹ đĩ!” Cho dù có hợp pháp nhưng chẳng hợp tình, hợp luân lý,
hợp đạo đức theo bảng giá trị thời đại con người.
Có người dùng Kinh Thánh bào chữa
cho vấn đề nêu trên: “Người nào vô tội hãy ném hòn đá đầu tiên.”
Câu chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình (Pericope Adulteræ),
bị mang ra ném đá theo luật Do Thái. Khi nghe Chúa Giêsu nói câu
ấy, thì bắt đầu từ mấy cụ ông lão bà già cả và mọi người bỏ đi,
không dám ném đá người đàn bà đó vì ai cũng nhận mình là người
có tội.
Tục ngữ Pháp có câu: “Ai ăn trộm
được qủa trứng thì sẽ ăn trộm con bò.” Ðiều này được đem ra ngăn
chận những người đã từng phạm tội ngoại tình trước khi được giao
phó chức vụ lãnh đạo hay điều hành cộng đồng xã hội, vì trong
thâm tâm luôn bất an với những gì mà mình lỗi phạm, mặc dù có
tiền mua tiên.
Nhưng có người phản đối: “Buông
đao thành Phật,” cần tha thứ cho người đã lầm đàng lạc lối mà
biết ăn năn hối cải. Chuyện kể một chàng đồ tể giác ngộ, bỏ nghề
giết heo đi tu đắc đạo thành Phật.
Những mẫu chuyện trên nói lên
quan niệm về đời sống cá nhân cũng ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Đời sống cá nhân của chính trị gia hay người lãnh đạo thường
được dân chúng quan tâm vì lãnh lương của dân, do tiền thuế đóng
góp Hơn thế nữa người lãnh đạo lại là đại diện cho một nhóm
người, một sắc tộc, một dân tộc hay một quốc gia thì phải là con
người có đức tính lãnh đạo.
Nhưng có người dễ dãi nhận xét
rằng, chính trị gia là người lo phát triển kinh tế, tạo ra công
ăn việc làm cho dân, còn cuộc sống gọi là chuyện “mèo mả gà đồng”
thì không liên quan tới việc chung việc nước. Nhưng lập luận này
ít được người ta đồng ý chấp nhận.
Bởi thế, chúng ta thử bàn về đức
tính của con người lãnh đạo, và tìm hiểu tiêu chuẩn qua các nền
văn hóa ấn định bảng gía trị ra sao.
Trước hết là người dân, chúng ta
thường mong ước có nhà lãnh đạo biết mang cơm no áo ấm, công ăn
việc làm, phúc lợi xã hội cho mọi người. Tiếp đến chính trị gia
cũng cần là mẫu người có đức tính thành thật, khiêm tốn, tín cẩn
và liêm sỉ.
Nếu như người lãnh đạo có đức
tính cá nhân tốt, đức tính liêm sỉ như đã nói, thì được gọi là
con người toàn vẹn.
Một người có đời sống riêng tư
như thế nào thì ắt có đời sống công cộng cũng phản ảnh ra như
thế. Từ những hành động, thói quen của họ thường lặp đi lặp lại,
chẳng thế mà tục ngữ Việt Nam có câu: “Ngựa quen đường cũ.”
Vấn đề an ninh trật tự con người
thì có thể dính dáng đến cảnh sát, tòa án, pháp luật nhưng vấn
đề thuộc lương tâm, luân lý, đạo đức thì con người và tổ chức xã
hội lại cần có mẫu mực để sống còn. Ðó là đức tính liêm sỉ của
con người.
Liêm có nghĩa là liêm khiết,
trong sạch, minh bạch là một trong những phẩm chất đạo đức rất
quan trọng của con người. Liêm còn mang ý nghĩa tiết kiệm, thanh
đạm, không nhũng nhiễu.
Người xưa định nghĩa rằng, “Liêm
là cái gốc của phú quý.” Không tham lam, không tham nhũng, không
hối lộ cũng được xem là “liêm.” Liêm thường được kết hợp với chữ
thanh như thanh liêm, tức là người không tham lam mà trở nên
trong sạch.
Nhưng suy xét sâu xa hơn, chữ
liêm cũng bắt nguồn từ chữ sỉ, bởi sỉ là người biết hổ thẹn,
biết xấu hổ, biết xa lánh những điều tội lỗi. Liêm là không tham.
Sỉ là người có tâm tư cảm thấy hổ
thẹn mỗi khi làm điều sai lẽ trái. Khổng Tử nói rằng: “Hành kỷ
hữu sỉ,” tức là khi chúng ta làm việc thì phải biết giữ mình,
đừng sa chước cám dỗ mà làm điều xấu hổ rồi lén lút dùng tiền
bịt miệng thế nhân.
“Tri sỉ cận hồ dũng” người biết
xấu hổ thì mới được xem là người gan dạ, dũng cảm, chính trực.
Người biết hổ thẹn thì mới có thể dũng cảm đối mặt với sai trái
của mình, chiến thắng được bản thân mình, biết tự soi xét lại
đức hạnh của mình. Đây chính là thể hiện “cái dũng” của nhà lãnh
đạo chính trị.
Một người biết hổ thẹn thì gặp
tiền của mới không tham, lâm vào khó khăn mà không bị khuất phục,
lâm vào virus mà không đổ thừa. Người có liêm có sỉ mới biết
khiêm tốn mà thoái nhường, mới biết lựa chọn điều hay lẽ phải
với mức độ phù hợp, mới biết vô luận là tu dưỡng cá nhân. Khí
tiết của dân tộc thì sỉ là người dẫn đường của lương tri, lãnh
đạo của dân tộc, mưu cầu ơn ích cho nhân loại.
Ðức tính tốt được gọi là liêm sỉ,
quang minh chính đại, lời nói việc làm trước sau đều giống nhau.
Liêm sỉ là người hành xử khi không ai thấy, không ai biết, không
ai hay mà mình vẫn giữ đúng đạo lý. Liêm sỉ là đức tính của
người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu
hổ.Vì vậy đức tính tốt có gía trị cho đời sống riêng tư cũng như
công cộng.
Nhà lãnh đạo, chính trị gia không
có đức tính tốt, không có đức tính liêm sỉ, không có đức tính
minh chính thì ắt không thể xây dựng guồng máy điều hành quốc
gia vững mạnh. Người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn
nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.
“Luân lý là chìa khóa tạo dựng
một chính quyền lành mạnh và lâu dài.” “Kỹ thuật chính trị có
thể học, các chính sách có thể bổ khuyết. Nhưng nếu không có đạo
đức thì quốc gia sẽ xụp đổ không sớm thì muộn.” Ðiều cần thiết
hiện nay là đạo đức người lãnh đạo mà chúng ta có thể học hỏi
qua lời của Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington từng ghi lại
trong sử sách, “Tính khí và tập quán đưa đến thành công chính
trị, tôn giáo và đạo đức là những sự nâng đỡ cần thiết.”
Các quốc gia dân chủ Tây Phương
hiện nay cũng đang nghiên cứu về căn bệnh xã hội, những bệnh
dịch chính trị như virus xảy ra làm suy giảm công cuộc điều hành
xã hội, khi con người hiểu ra nguyên tắc đạo lý, đức tính lãnh
đạo là cần thiết để áp dụng trong mỗi địa phương, mỗi quốc gia,
mỗi dân tộc. Trái lại, trong quốc gia chậm tiến, độc tài độc tôn
thì lại bắt buộc quần chúng nhân dân phải kính trọng, phải ủng
hộ, phải phò trị qua lăng kính lãnh tụ được đảng cầm quyền đánh
bóng.
Tiếp đến mẫu người lãnh đạo theo
linh huấn trong Chánh Thuyết Tiên Rồng, trước hết là quan tâm
tới việc Thờ Trời Kính Tổ, là điều kiện giúp ông luôn nhớ rằng
mình không phải là chúa tể. Trong việc thịnh nước an dân, cùng
với ông và trên ông còn có những Vị Khuất Mặt để xét đoán, khen
thưởng hay trách phạt ông. Cũng nhờ nền tảng này đã giúp cho
người lãnh đạo luôn nhớ tới Thân Phận Con Người của mình, để
tránh sự tự kiêu tự mãn hoặc mang ảo tưởng xuất chúng, độc tôn,
siêu phàm.
Đất nước hôm nay không phải do
một người, một dòng họ, một nhóm người gầy dựng, mà là công lao
xương máu của cả một dân tộc, của mọi người dân, của bao trăm
đời liên tục. Bởi thế người lãnh đạo luôn ghi nhớ công ơn xây
dựng của tiền nhân, ghi ơn sự đóng góp của mọi người mà ý thức
sứ mạng của mình cùng với toàn dân nối tiếp và phát huy sự
nghiệp của tiên nhân.
Ông là người mang nặng trách
nhiệm chớ không phải để thao túng quyền chức, hoặc hưởng đặc
quyền đặc lợi mà sống xa hoa hưởng thụ. Ông còn phải vận dụng
tối đa tài trí của mình để đạt được mục tiêu thịnh nước an dân.
Thật vậy dù có tận tâm tận lực mà
đem hết khả năng, hết thời gian hoạt động, nhưng ông thiếu tài
thiếu trí, thiếu khôn ngoan sáng suốt thì cũng không thể nào
nhận biết và tìm ra sách lược cho công cuộc thịnh nước an dân.
Người lãnh đạo biết rõ công tác, biết thực thi hữu hiệu, biết
tin tưởng dân nước.
Phương thức của người lãnh đạo
cần có bốn cái tài:
Tài biết tin tưởng vào dân nước
Tài giúp dân sống thực truyền
thống dân tộc
Tài thấu hiểu nhu cầu của dân
Tài cải tiến cuộc sống người dân
Có nghĩa người lãnh đạo tuân theo
sự hướng dẫn tuyệt vời của truyền thống dân tộc, mà đem tâm
huyết phát triển đời sống vật chất giúp mọi người tràn dâng sức
sống, nâng cao đời sống tinh thần cho toàn dân cùng gắn bó với
nhau trong tình nghĩa đồng bào và thể hiện Một Bọc Trăm Con
trong đời sống cộng đồng xã hội.
Kết luận: trở ngại lớn nhất của
nhân loại ngày nay không phải là kinh tế, chính trị, quân sự mà
là trở ngại từ bảng gía trị, đạo đức, luân lý con người. Một
quốc gia có thể sống còn nếu chỉ thiếu tài chánh tiền bạc, nhưng
không thể tồn tại nếu thiếu Đức Tính Lãnh Đạo. Và để sống còn,
chúng ta phải phục hồi gía trị đạo đức làm người, luân lý, liêm
sỉ ở các lãnh vực công cũng như tư.