Mỗi khi tai qua nạn khỏi hay gặp
một điều lành, chúng ta đều nhắc tới phúc đức: “Nhờ phúc ông bà
nên tôi vừa thoát nạn.” “Nhờ phúc nhà nên cháu vừa thi đỗ.” “Cầu
phúc tổ tiên cho được mẹ tròn con vuông.”
Nhiều ca dao tục ngữ cũng nhắc
tới phúc đức, và khuyên chúng ta gây phúc lập đức, “Có phúc làm
quan.” “Tiên tích đức hậu tầm long.” “May phúc ba đời để lại.”
Mừng một sự kiện tốt đẹp bất ngờ
chúng ta buột miệng, “May phúc!” Trái lại lời nguyền rủa nặng nề
vẫn là câu, “Đồ vô phúc!”
1. Làm Phúc
Phúc là điều tốt lành cho cuộc
sống con người. Con người vừa được hưởng phúc, lại vừa có thể
tạo ra phúc. Đang khi đức là kết quả của việc tạo phúc, mà cũng
là nguyên ủy của việc hưởng phúc.
Chủ đích của việc phúc đức, cũng
như linh huấn của Chánh Thuyết Tiên Rồng, là vừa làm cho chính
mình được hạnh phúc, lại vừa gíup cho mọi người xung quanh cũng
được hưởng hạnh phúc với mình. Do đó, phúc đức là vừa do tâm
thành thiện ý, lại vừa do kết qủa công việc sinh lợi cho người
khác.
2. Hưởng Đức
Khi làm việc phúc đức, chẳng
những chúng ta giúp ích cho người, mà chính chúng ta cũng được
hưởng nhờ. Làm phúc thì được hưởng đức – Lợi vật chất thì do thu
góp, mà ích phúc đức thì do san sẻ.
Chúng ta còn có thể lưu truyền
phúc đức đến người khác. Do đó, con cháu được hưởng nhờ phúc đức
của Tổ Tiên để lại.
3. Phúc Phận
Ngòai phúc đức Tổ Tiên, con người
cũng hưởng phúc do Trời ban. Nhưng Phúc Trời lại khác nhau nơi
từng con người.
Tầm độ hưởng nhờ Ơn Trời và Phúc
Đức Tổ Tiên chính là phúc phận của mỗi con người. Mọi sự xảy đến
trong một đời người đều do phúc phận. Cũng do phúc phận mà chúng
ta có hay không, được hay mất bất cứ sự gì trên đời.
Việc phúc đức lại có thể làm thay
đổi phúc phận. Nhờ làm nhiều phúc đức, do tâm thành và do kết
qủa ơn ích, số phận chúng ta trở thành tốt đẹp hơn, tai qua nạn
khỏi, phúc thọ gia tăng. Tùy duyên không có nghĩa là buông xuôi
chấp nhận, mà để chờ duyên là chúng ta phải luôn chuẩn bị, phải
tạo điều kiện, phải cố gắng làm việc phúc đức.
4. Chữ Đức
Thông thường chữ “Đức” có ý
nghĩa đạo đức, nhân đức, ân đức, phúc đức. Chữ “Đức” còn có
nghĩa là cái “Dụng của Đạo.” Chúng ta biết, đặc biệt theo triết
lý Lão Học, đạo là cái thể của Trời Đất, còn đức là lúc đạo hoạt
động, là cái dụng của đạo.
Chúng ta có thể nói đạo là “tạo
hóa” ở thể tĩnh, còn đức là “tạo hóa” ở thể động, hoạt động, là
“thần lực” dựng nên vũ trụ, con người. Đức là sức mạnh của Trời!
Chữ đức được Tổ Tiên ghi khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lữ,
“Mặt Trời 14 Tia.” (Thập tứ
nhất tâm: 14 người mà một lòng) có nghĩa là chữ Đức.
5. Phúc Đức
Bởi thế Phúc Đức là quan niệm gắn
liền với tâm hồn và cuộc sống của người dân Việt chúng ta, chẳng
những đã ăn sâu trong tư tưởng, trong tâm hồn mà lại còn bộc
phát ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và để giúp cho
chúng ta sống “hạnh phúc.” Quan niệm Phúc Đức đã giúp cho toàn
thể Dân Việt sống hạnh phúc qua mấy ngàn năm, mà đã giữ trọn vẹn
tâm hồn con người để làm người đúng nghĩa.
Khi nói tới phúc đức, chúng ta
luôn nhớ tới Tổ Tiên Ông Bà là người khuất núi, dĩ nhiên không
quên cám ơn Trời Phật, nhưng chúng ta sở dĩ đã nhận được ơn Trời
Phật, cũng là nhờ hồng phúc của Tổ Tiên Ông Bà.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi
khi làm việc lành điều thiện, chúng ta ý thức rõ ràng rằng không
những “mình làm mình hưởng,” mà còn dành để phúc đức đó cho cả
dòng họ con cháu hưởng nhờ, “Làm lành để đức cho con.” “Quang
tiền dư hậu.” “Tiên tích đức hậu tầm long.”
Quan niệm phúc đức đã giúp cho
con người sống thật sự trong hiện tại, mà còn liên kết với qúa
khứ vị lai, hầu sống trọn vẹn kiếp người. Do đó chúng ta có thể
nói phúc đức là quan niệm sống hữu thần sâu xa, mà gần gũi với
con người nhất.
Quan niệm này là câu giải đáp cho
họa duy lợi duy vật vô thần thời nay, mà còn giúp chúng ta thoát
ách duy tâm duy linh, đang làm con người coi thường thực tại
hiện hữu của cuộc sống.
Bởi thế quan niệm phúc đức của Tổ
Tiên là căn bản tâm linh cho đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước. Trong
cuộc chiến đấu, phúc đức là tiêu chuẩn để phân định rõ ràng giữa
chính nghĩa hay gian tà. Tiêu chuẩn phúc đức để kiểm chứng những
việc chúng ta làm là cứu dân cứu nước, hay cướp nước hại dân như
Cộng Sản đang làm mà thôi.
Trong lịch sử cận đại, nhiều
người ra hải ngoại cũng có thể đã tính tới chuyện cứu nước thoát
ách Thực Dân Pháp, nhưng vì không xét đến vấn đề phúc đức như Tổ
Tiên chúng ta linh huấn, nên đã vô tình hay cố ý chấp nhận cái
thứ chủ thuyết vong bản ngoại lai. Thay vì khi trở về cứu dân
cứu nước, thì thực tế đã làm những việc bán nước hại dân, bởi vì
họ không phân biệt được ý niệm chính – tà (chính nghĩa hay gian
tà).
Giờ đây, nếu chúng ta không xét
đến phúc đức ắt cũng chẳng khác những người năm xưa, cũng du
nhập chủ thuyết Mác – Lê, cũng làm đoàn quân viễn chính trở về
cướp nước, cướp chính quyền, rồi cũng tranh giành quyền lợi,
cũng đàn áp lương dân, và có khi còn gieo tai họa nặng nề hơn
bọn giặc nước hiện tại.
Có người hỏi rằng, trong chiến
tranh chém giết, trong chính trị mưu mô mà chúng ta bàn đến
chuyện phúc đức sao?
Xin thưa rằng, nếu bắt buộc chúng
ta phải chiến đấu để cứu người, giải cứu dân lành thì việc chém
giết của chúng ta đó – là việc làm phúc đức. Phúc đức không phải
để tránh tác hại, dĩ nhiên chúng ta cần tránh chém giết thì càng
tốt.
Nhưng khi không thể đặng đừng,
chẳng những chúng ta không được quyền tránh, mà còn có bổn phận
dấn thân vào chốn hiểm nguy để cứu người vô tội. Việc giết giặc
cứu người là việc làm phúc đức, và càng xả thân trừ ác thì phúc
đức lại càng có nhiều.
Vì nguyên ủy của Chánh Nghĩa là
Làm Việc Phúc Đức, mưu cầu hạnh phúc cho con người. Ai làm hại
Con Người thì dầu đạt được quyền uy hay giàu sang tột bực thì
vẫn không có Chính Nghĩa.
Trong đời sống con người Chính
Nghĩa là quyết tâm đánh giặc cứu người. Và giặc là tất cả những
ai hay những gì làm suy hại hạnh phúc của con người và xã hội
lòai người.
Mặc dù chính trị có mưu mô, chiến
tranh có chém giết, nhưng quyền biến, mưu lược của chính trị là
để củng cố xã hội, để trợ giúp cho cuộc sống của con người. Quân
sự có máu lửa, chiến tranh tàn phá, nhưng Tổ Tiên cho rằng đó
không phải là hiếu sát hay cưỡng bức, mà là đánh giặc nhằm giải
cứu người vô tội.
Trong đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước,
chúng ta ý thức rõ ràng rằng mình đang đi cứu người, cứu anh em,
cứu thân nhân, cứu nhau mà hợp thành đoàn quân nhân nghĩa đi
giải cứu cả một dân tộc đang bị giam hãm đọa đày.
Trong lúc giải cứu dân tộc, chắc
chắn có sự xô sát và tùy theo trường hợp mạnh yếu chúng ta lường
trước tầm quan trọng trong việc cứu người mà chấp nhận thực thi.
Trong đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước ngày nay, bọn ác nhân cố bám
vào quyền lợi riêng tư phe đảng thì tranh đấu sống còn là chuyện
khó tránh.
Khi đó kẻ ác thì đền tội, và
người thiện thì thêm phần phúc đức.
Ðại cuộc Giúp Dân Cứu Nước là
việc làm phúc đức hết sức to lớn, mà chúng ta khó thể tưởng
tượng, như lời Tổ Tiên linh huấn, “Dù xây chín bậc phù đồ, không
bằng làm phúc cứu cho một người!” Dù cho có bỏ công của ra xây
cất 9 cảnh chùa cho tăng ni tu luyện thì cũng không bằng làm
phúc cứu cho một người.
Thế vậy mà giờ đây chúng ta mưu
tính giải cứu cả trăm triệu con người của quê hương xứ sở Việt
Nam, khi bỏ công bỏ của ra toan tính và sẵn sàng hy sinh cả tính
mạng, dành để mọi khả năng để chuẩn bị tổ chức chu đáo cho đại
cuộc dựng nước, thì phải nhận chân rằng đó là “Đại Phúc!”
Việc làm đại phúc đó, chẳng những
chúng ta được hưởng, mà như Tổ Tiên đã nói, gia đình giòng họ
con cháu và toàn thể dân tộc cũng được hưởng nhờ, ngay cả những
người khuất núi và con cháu chưa sinh ra: “Quang tiền dư hậu.”
Do đó không phút giây dành để cho
quê hương dân tộc là uổng phí, vì chính lúc chúng ta mưu cầu
giải cứu lương dân, như Tổ Tiên xác quyết, “Ðại phúc đó dân tộc
cũng được hưởng nhờ!”
Sở dĩ đã gần thế kỷ qua, Dân Nước
chưa được giải cứu là vì chúng ta chưa có phúc đức, chưa đủ phúc
đức, chưa góp thành đại phúc.
Khi chúng ta quan tâm giải cứu
đồng bào, hay nói đơn giản hơn, khi nhớ tới đồng đội bị bắn ngã
gục, tù đày cải tạo, hay lời trăn trối của người thân, lời thề
khi bỏ nước ra đi.
Và khi chúng ta nhớ tới đồng bào
rên xiết dưới ách giặc Cộng mà quyết tâm hành động cứu giúp thì
đó phải là đại phúc. Và khi đóng góp đủ đại phúc thì tất nhiên
chúng ta sẽ cứu được dân nước.
Con người phàm tục như chúng ta
mà còn biết quặn đau trước nỗi thống khổ của dân tộc mình, thì
không lý Ðức Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi hay Tổ Tiên Ông Bà
lại làm ngơ, phó mặc con cháu chịu cảnh đọa đày?
Sở dĩ các Ðấng Linh Thiêng chưa
thể ra tay oai linh trừ bạo cứu dân cứu nước, cũng chỉ vì tại
chúng ta. Chúng ta không đóng góp phúc đức, không học hỏi, không
có đủ phúc đức thì chưa xứng đáng làm tác nhân cho các Ngài xử
dụng vào đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước để gọi là, “Bất chiến tự
nhiên thành.”
Nói theo kiểu Trạng Trình, “Bất
chiến tự nhiên thành!” Sở dĩ được gọi là “bất chiến” vì trong
việc “tham chiến” với Ðạo Binh Nhân Nghĩa của chúng ta đã nhận
sự phù trợ của các Đấng Linh Thiêng. Với sự tham chiến cùng bao
lớp con cháu trừ ác cứu dân được gọi là “bất chiến,” tất nhiên
chúng ta không chỉ có được “sức thần” (sức mạnh, thần lực) mà
còn đủ tài đủ trí, kiến thức và thông toàn đẻ thành công thắng
giặc.
Nhìn vào lịch sử thì những cuộc
chiến thắng lớn thường kết tụ tinh anh sau vài trăm năm mới có,
nếu ước tính từ Chiến Thắng Ðống Ða lịch sử thì tới nay cũng đã
đủ thời gian cho “thiên tài cứu nước” sản sinh. Muốn thế, chúng
ta phải đóng góp phúc đức, và “cộng tài cộng đức” tức là “cộng
nghiệp,” là tổ chức. Tổ chức hợp thời đại thì mới thành công.
Kể từ Chiến Thắng Ðống Ða đã hơn
hai trăm mùa xuân trôi qua với bao vật đổi sao dời, nhưng chiến
công hiển hách của người anh hùng áo vải khởi nghĩa của đất Tây
Sơn vào Tết Kỷ Dậu năm xưa vẫn oai linh ngời sáng. Và ngọn lửa
Cứu Nước ấy luôn luôn bừng cháy nung đúc tình yêu nước thương
dân của bao thanh niên hào kiệt anh tài, noi gương Ðại Ðế Quang
Trung mở ra trang sử hiển hách và dựng lại Kỳ Đài Bách Việt, hay
được gọi là Hoa Tiên Rồng Mở Hội trong thời đại tín nghiệp
(Information Age).
Và trong nỗi đau quốc nạn, mỗi
người chúng ta cần suy niệm phúc đức của Tổ Tiên, lúc ấy chúng
ta mới vững dạ sắt gan, bừng lên hùng khí mà vượt qua giai đoạn
chiến đấu khó khăn nhất, chính là chiến thắng ngay tự trong tâm
hồn, trong thâm tâm của mỗi người mà ra mà có mà thành.
Nhiều người cũng đang chú tâm tìm
kiếm “minh quân, thánh chúa.” Xin hỏi hễ là con người thì ai có
đủ tài đức lớn để cứu được toàn dân? Nếu có, phải chăng chúng ta
nhờ có phúc đức cùng nhau đóng góp trong tổ chức mà người lãnh
đạo được bầu làm đại diện.
Các Vị Anh Hùng trong lịch sử
được gọi là đủ tài, đủ đức cũng do Các Ngài cộng tài, cộng đức
trong những tổ chức của Các Ngài. Và Phúc Ðức ngày nay qủa là
một tiêu chuẩn, là thước đo được dùng trong một tổ chức để xét
đúng sai, chánh tà.
6. Kết Luận
Phúc đức là quan niệm căn bản cho
mọi hoạt động cứu nước của chúng ta. Do đó chúng ta ý thức rõ
ràng rằng, mỗi phút giây, mỗi hành động lo liệu cho quê hương
đồng bào là những việc đại phúc. Bằng nhờ vào quan niệm phúc đức
mà chúng ta không còn bơ vơ hay chán nản lạc lõng trong cuộc
sống gọi là tẻ nhạt thường nhật, vì mỗi phút giây dành để cho
quê hương, là đại phúc.
Phúc đức đó, chẳng những chính
mình, gia đình dòng tộc được hưởng, mà quê hương dân tộc cũng
được hưởng nhờ. Bởi có đủ phúc đức thì mới cứu được dân nước. Và
như thế, các tổ chức chính danh là tụ điểm giúp nhau thêm tài
thêm đức, và cộng tài cộng đức để giải cứu đồng bào.